Elliot làm việc cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhiều năm tại Nhật Bản, anh vừa bị đổi đến một quốc gia thuộc Bắc Phi. Khi còn ở Nhật, Elliot đã từng học Thiền trong một tu viện Zen nhưng anh chưa ý thức được tinh thần Zen trong đời sống hàng ngày, anh nói:
• Thưa bà, hiện nay tôi đang sống trong một hoàn cảnh hết sức khó chịu, nhiệt độ Bắc Phi lúc nào cũng nóng hơn 100 độ. Máy lạnh chạy suốt ngày đêm vẫn không làm giảm sự bực bội của tôi đối với thời tiết nơi đây và mỗi khi máy lạnh bị hư thì quả là một cực hình. Khi đi tắm thì nhiệt độ sa mạc đã làm nước trở nên nóng hổi khiến tôi có cảm tưởng như bị luộc. Đã thế cuộc sống thiếu văn minh còn đem lại nhiều bực mình khác, khi cần sử dụng điện thoại thì có lúc nó chạy, lúc không, đi đâu cũng ngửi thấy mùi hôi thúi, thiếu vệ sinh… nhưng tệ hơn cả là nạn ruồi muỗi, mỗi lần tôi tham Thiền là ruồi muỗi bu lại không thể tĩnh tâm được. Suốt ba tháng nay tôi không sao Thiền được, tôi nghe nói rằng nếu không Thiền đều đặn trong vòng bốn mươi ngày thì mất hết công phu. Điều này thực hư ra sao?
Cũng có thể lắm, nếu anh không thực tập thiền đều đặn thì anh khó có thể trở lại thói quen này, nhưng vấn đề ở đây không phải như vậy. Vấn đề chính là Zen không bao giờ ngưng lại ở môi trường thực hành. Zen có nghĩa là không phản ứng, trí óc luôn luôn điềm đạm, không đồng hóa với cảm xúc như ưa, ghét, giận, hờn, khao khát, ác cảm, ảo ảnh, thích thú v.v…
ZEN LÀ MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG CHỚ KHÔNG PHẢI SỐNG MỘT CÁCH PHONG LƯU SUNG TÚC.Có người đã hỏi Đức Phật “Hạnh Phúc Chân Thật Là Gì?”
Ngài trả lời: “Sống điềm đạm trong mọi thăng trầm, thắng bại, được thua, vinh nhục vẫn mỉm cười”.
Bất cứ người nào cũng thoải mái khi cuộc đời êm đềm, nhưng hoàn cảnh hoàn hảo đó không có sự gạn lọc thử thách, không có đất mầu cho sự nẩy nở và phát triển nội tâm. Genne Turney nhà vô địch quyền anh cho biết anh đoạt chức vô địch thế giới chỉ vì có sức chịu đựng. Anh đã luyện được sự chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, chống lại mọi sự tấn công từ bên ngoài. Tiểu sử của các bậc hiền triết Phương Đông đều đề cập đến sự làm chủ thể xác một cách khắt khe.
Để vượt lên sự chống đối của xác thân, mỗi ngày Swami Sivananda thường ngâm mình dưới dòng nước lạnh của sông Ganges từ 3 giờ sáng, nước ngập đến cổ và Ngài vẫn thản nhiên trì tụng những bài thần chú. Mấy người Phương Tây nào có thể tập sự khổ hạnh như thế? Sức chịu đựng của chúng ta kém xa người Phương Đông có phải không? Nhưng đó không phải lỗi của chúng ta. Cuộc sống văn minh vật chất đã làm chúng ta trở nên lười biếng. Quên mất sự chịu đựng, không biết kiềm chế xác thân như những dân tộc khác. Có lẽ đó là lý do mà những dân tộc thường gọi là “Thiếu Văn Minh” lại có một cuộc sống thoải mái, xả giãn hơn chúng ta rất nhiều. Phải chăng sự chịu đựng của họ với hoàn cảnh bên ngoài rất cao nên thần kinh của họ ít căng thẳng trước những biến chuyển tất nhiên của đời sống.
Để tiến bộ trên đường tâm linh, chúng ta cần phải tin cậy vào sự minh triết sáng suốt của Đấng Cao Cả trong vũ trụ đã đặt chúng ta vào môi trường chúng ta đang sống hiện nay. Tất cả mọi nơi chốn đều có những mục đích, đều có những điều mà chúng ta phải học hỏi.
Anh cần vượt lên mọi sự bực bội, chống đối trong trí óc, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách và cố gắng tham Thiền suy ngẫm trở lại. Trong tinh thần Zen thì người ta không nhằm vào các sự kích động mà chỉ nhằm vào các phản ứng của mình đối với những sự kích động đó rồi anh sẽ hiểu chúng là gì. Anh hãy trở lại việc thực tập thiền định và suy gẫm về môt câu nói sau đây:
“GIÁ TRỊ CỦA MỘT CON NGƯỜI KHÔNG Ở NƠI CÁI GÌ Y CÓ MÀ Ở ĐIỀU Y LÀM ĐƯỢC KHI KHÔNG CÓ GÌ CẢ.”
DARSHANI DEANE