Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta làm một công việc này và đôi khi chúng ta phải làm một công việc khác. Chúng ta đạt được những kết quả khác nhau từ những công việc khác nhau của mình.
Thường thì chúng ta đánh giá tầm quan trọng của mỗi một công việc bằng vào kết quả mà chúng ta đạt được, nhìn thấy được. Việc trồng rau được xem như không quan trọng bằng việc biên soạn một quyển sách chẳng hạn.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vấn đề dưới một sự tỉnh thức, sáng suốt, chúng ta có thể sẽ nhận thấy khác hơn. Mỗi một công việc mà chúng ta làm đều là một phần trong cuộc sống, và điều quan trọng là ở chỗ chúng ta thực hiện công việc đó như thế nào chứ không phải ở chỗ chúng ta làm ra được gì. Khi một công việc được thực hiện với sự tỉnh thức, thời gian làm công việc đó là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta đánh mất sự tỉnh thức, thời gian làm việc đó sẽ không phải là thời gian chúng ta thực sự được sống. Vì thế, cho dù là bạn đang trồng rau hay quét rác, nếu bạn duy trì được chánh niệm thì đó đều là những thời gian có giá trị và vô cùng quan trọng trong cuộc sống, cũng không kém gì thời gian mà một khoa học gia bỏ ra để nghiên cứu vũ trụ. Ở đây, tôi hoàn toàn không đề cập đến giá trị của công việc đối với người khác, tôi muốn nói đến phần giá trị đối với chính bản thân bạn. Chính phần giá trị này mới là những gì bạn thật sự có được trong cuộc sống.
Hiểu theo cách này, bạn sẽ thấy những giây phút thanh thản ngồi bên một tách trà chưa hẳn đã là hoang phí. Nếu bạn thực sự sống trong giây phút đó, nó cũng có giá trị quý giá không kém những lúc bạn thực hiện một công việc to tát, quan trọng.
Nhìn rộng ra xã hội, chúng ta cũng sẽ không thấy rằng một người phu quét đường là kém quan trọng hơn một ông giám đốc công ty, cho dù phần đóng góp cho xã hội của mỗi người tất nhiên là đều có chỗ khác nhau. Vấn đề là ở chỗ, mỗi người có thực sự sống đúng nghĩa trong phần công việc của mình hay không.
Như tôi đã nói, đôi khi chúng ta phải thay đổi làm những công việc khác nhau trong cuộc sống. Thật không may là không phải lúc nào chúng ta cũng có thể chủ động lựa chọn. Tuy nhiên, nếu chúng ta duy trì được chánh niệm, thì dù chúng ta làm bất cứ loại công việc nào cũng đều quan trọng như nhau đối với chúng ta. Hơn thế nữa, còn có những tương quan tế nhị về mặt tinh thần mà chúng ta chỉ có thể tự mình nhận ra trong cuộc sống. Những giây phút uống trà hoặc tưới cây, trồng hoa… bao giờ cũng có những tác động tích cực nhất định đến công việc biên khảo hay giảng dạy của tôi. Ai có thể cho rằng những thời gian ấy là vô ích?
Thời đại mới đã có quá nhiều những thay đổi mới. Khi mà trong tay chúng ta có đầy đủ những phương tiện thông tin liên lạc hiện đại cũng như mọi thứ cần thiết để hỗ trợ cho việc làm, chúng ta hầu như có rất ít lý do để dừng nghỉ. Ngày xưa, tôi có thể phải mất một buổi hoặc một ngày lùng sục trong thư viện để tìm đọc về một vấn đề cần biết. Ngày nay, chỉ cần vài cái nhắp chuột trước máy tính tôi đã có đầy đủ những thông tin mình cần. Vì thế, tôi không phải mất trọn một buổi hoặc một ngày, mà chỉ cần một vài tiếng đồng hồ đã có thể đạt được hiệu quả tương tự.
Vấn đề là ở chỗ, khoảng thời gian tiết kiệm được nhờ vào phương tiện hiện đại đã được tôi sử dụng như thế nào? Nếu tôi làm một con toán chính xác và chấp nhận bỏ ra một vài giờ trong khoảng thời gian đó để khôi phục năng lực tinh thần, tôi vẫn còn có lợi hơn trước đây rất nhiều. Nhưng thường thì đa số trong chúng ta không làm thế. Chúng ta liên tục thúc đẩy tốc độ công việc của mình, nhanh và nhanh hơn, nhiều và nhiều hơn nữa. Chúng ta không có cả thời gian để nhìn lại chính mình. Và vì thế, trong thực tế là những phương tiện hiện đại làm cho chúng ta mệt mỏi, căng thẳng hơn nhiều so với trước đây. Điều này thật dễ hiểu. Chúng ta đang phải làm việc với tốc độ của máy tính, tốc độ của phương tiện hiện đại, thay vì là tốc độ của con người như trước đây.
Bạn có thể sẽ phản đối ở điểm này. Vâng, đồng ý là tôi phải làm việc nhanh hơn do sức ép từ những phương tiện hiện đại, nhưng tôi làm ra được nhiều hơn, hiệu quả công việc cao hơn rất, rất nhiều lần.
Ở đây, chúng ta hãy thử nói về một vài hệ quả của việc làm ra được nhiều hơn. Mặc dù trước mắt chúng ta thấy rõ đây là một điều có lợi không cần tranh cãi. Nhưng bạn có biết sự dư thừa sản phẩm hiện nay cũng là một trong các vấn đề làm đau đầu các nhà kinh tế hay chăng? Và hệ quả tất yếu của nó là tỷ lệ thất nghiệp đang ngày càng gia tăng một cách đáng báo động ở hầu hết các quốc gia tiên tiến. Con người đang giành giật với nhau quyền sống, với sự hỗ trợ của những phương tiện kỹ thuật mới. Có thể có những người sống tốt hơn, đầy đủ hơn về vật chất, và để trả giá, có hàng ngàn, hàng triệu người khác trên thế giới sẽ không biết làm gì để sống vào ngày mai…
Chúng ta không thể phủ nhận những tiện nghi mà đời sống hiện đại mang đến cho con người. Chúng ta đi lại dễ dàng hơn, liên lạc thông tin dễ dàng hơn, nhà ở thoải mái hơn, mua sắm được nhiều đồ dùng hơn… Rất nhiều điểm hơn so với trước đây. Nhưng trong đó cũng phải kể ra là chúng ta có ít thời gian cho bản thân và gia đình, con cái hơn; chúng ta hối hả hơn, ít thanh thản hơn; chi tiêu nhiều hơn nên cũng bắt buộc phải làm ra nhiều tiền hơn… Và căn nhà chúng ta trở nên chật hẹp hơn so với nhu cầu, cho dù nó chiếm một diện tích lớn hơn. Tổng hợp tất cả những cái hơn đó lại, chúng ta thấy ra một điều là cuộc sống của chúng ta ngày càng căng thẳng hơn.
Ngày nay, chúng ta di chuyển rất nhanh bằng những phương tiện hiện đại, từ chiếc xe gắn máy 100 phân khối, cho đến xe buýt, xe hơi, và thậm chí đến cả máy bay… Điều rõ ràng là chúng ta rút ngắn được rất nhiều lần thời gian cần thiết để di chuyển, đi lại. Nhưng điều nghịch lý cũng rõ ràng không kém là chúng ta có rất ít thời gian để di chuyển, hầu như bao giờ cũng ít hơn thời gian thật sự cần thiết. Chúng ta luôn phải phóng xe thật nhanh trên đường, hối hả đến mức đôi khi vượt cả đèn đỏ; chúng ta chen lấn nhau lên và xuống xe buýt, dù chỉ để nhanh hơn được vài phút đồng hồ; chúng ta rời khỏi xe hơi và đi như ma đuổi đến văn phòng, có khi vừa đi vừa chào hỏi một người quen mà không có cả thời gian để dừng lại trao đổi vài ba câu thân mật…
Vấn đề đặt ra là, liệu chúng ta có giữ nổi được một tâm hồn thanh thản trong bối cảnh như thế hay chăng? Trừ khi chúng ta thật sự thay đổi cách nghĩ, cách sống… bằng không thì tôi cho rằng điều đó là rất khó khăn.
Đã đến lúc chúng ta cần phải dừng lại đôi chút và đặt ra cho mình câu hỏi: “Thật ra thì tất cả những gì ta đang làm đây, cuộc sống hối hả của ta đây, là để nhắm đến điều gì?”
Cách đây không lâu, tôi có người bác trong họ vừa qua đời. Ông ta cả một đời bận rộn, làm ra được rất nhiều. Khi từ trần để lại cho con cái cả một sản nghiệp kếch sù, trong đó bao gồm cả hàng chục lô đất nền nhà trong thành phố mà giá cả đã tăng vọt lên hàng trăm lần so với giá mua. Mặc dù vậy, từ khi tôi có trí khôn, tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông có được một ngày thanh thản thật sự. Công việc đòi hỏi ông phải thức khuya, dậy sớm, và bữa cơm trưa nào sớm nhất thường cũng là vào khoảng một giờ chiều… Những đóng góp của ông cho cuộc đời, cho gia đình, con cái… là không có gì để bàn cãi. Nhưng liệu bản thân ông ta đã từng được sống hay chưa? Tôi nghĩ giá như ông làm ra ít hơn đôi chút, có lẽ gia đình, con cái cũng chưa đến mức nghèo túng, nhưng bản thân ông hẳn đã có được đôi chút thời gian sống thật sự.
Mỗi chúng ta đều nên xét lại ở điểm này. Quan điểm “tri túc” mặc dù đã khá cũ kỹ nhưng đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị đúng đắn của nó. Nếu mỗi người chúng ta không có một điểm dừng tương đối, một giới hạn vật chất tương đối… chúng ta sẽ mãi mãi bị cuốn trôi đi trong dòng xoáy của cuộc sống hiện đại này.
Dù là bạn đang làm gì, cũng nên nghĩ đến việc quân bình các nhu cầu vật chất và tinh thần trong cuộc sống của mình. Và phương pháp tốt nhất để bạn đạt đến điều đó chính là thực hành sống tỉnh thức.
Sống tỉnh thức, chúng ta chắc chắn sẽ không bị cuốn trôi đi theo nhịp sống hối hả. Chúng ta luôn biết được những nhu cầu thực sự của mình để đáp ứng mà không bị hành hạ chỉ bởi sự tham lam. Và quan trọng hơn hết, chúng ta giữ được cuộc sống thật sự của mình ngay trong bất cứ công việc nào mà chúng ta đang làm.
NGUYÊN MINH