Lịch sử yoga và các hệ phái.
Có thể nói rằng Yoga là hệ thống cổ xưa nhất của phương pháp luyện thể chất và tinh thần được biết đến trên thế giới. Hơn 5.000 năm trước, trong những bản kinh cổ xưa nhất của người Hindu và được phát triển bởi các nền văn minh Indus – Sarasvati ở miền bắc Ấn Độ.
Các bộ kinh chính: Bhagavad Gita, Upanishas, Rig Veda. Những bộ kinh này thể hiện những quan niệm của người Ấn Độ về nhân sinh, vũ trụ, lý giải về sự uyên nguyên tận cùng của đạo, cố gắng đi tìm thực chất của bản tính con người, chỉ ra con đường giải thoát cho cuộc đời…. Đồng thời đây cũng là bộ sách chứa đựng một kho tàng các câu ca dao, sử thi, vịnh phú về sự giàu đẹp, hùng vĩ của thiên nhiên Ấn Độ, những tập tục, nghi lễ, quan điểm tư tưởng, những bài thánh ca cầu nguyện các đấng thần linh của người Arya. Yoga là một phần của những bộ kinh trên chỉ dẫn phương pháp tập luyện về thể chất lẫn tâm trí và cả tâm linh nữa. Ban đầu, các trường phái phổ biến là: Karma Yoga, Bhakti Yoga, Jnana Yoga…
Karma Yoga là một hình thức Yoga nhấn mạnh đến việc làm của mỗi cá nhân và kết quả (nghiệp quả) của những việc làm đó. Phải tạo được kỷ luật và ý thức trong hành động vô vị lợi đối với tha nhân và muôn loài. Những hành động phù hợp với quy luật tự nhiên và vô vị kỷ ấy sẽ dần dần thanh tẩy tâm trí con người để đến gần chân lí hơn.
Bhakti Yoga là con đường của người sùng kính, đặt trọn tình yêu thương và phục vụ muôn loài cũng như phục vụ đấng tạo hóa, xem tất cả mọi loài đều là thông điệp của thượng đế. Tự ngã tan biến vào thượng đế như là giọt nước đã tan chảy vào đại dương. Thật ra đây là hình thức Yoga có ở tất cả các dân tộc, đây không phải là con đường của người cuồng tín mù quáng. Mỗi dân tộc đều có danh xưng đấng sáng tạo, hay bậc giác ngộ mà mình tôn kính như là; Krishna, Ala, Thiên Chúa, Buddha Amitabha, Padmasambhava….
Jnana Yoga là con đường của nhà tri thức. Chánh kiến là đức tính cần thiết giả Jnana Yoga, nhận thức đúng đắn, tường tận từ việc của mình tới việc của người khác, vô tư, điềm tĩnh trước nhữn hoàn cảnh khác nhau, thực tập làm chủ cảm xúc và giác quan. Thường thân cận với Guru để học hỏi (hữu sư trí) để hiểu biết về nhân sinh vũ trụ, mục tiêu quan trọng nhất của hành giải Jnana Yoga hay các hệ phái yoga khác là hiểu biết rốt ráo về bản thân (vô sư trí), cũng như một nhà hiền triết Hy lạp có nói: “Bạn hãy tự biết bạn”.
Các hệ phái Yoga thường chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Jnana Yoga một điển hình, hành giả Jnana Yoga thực hành song song với Hatha Yoga và Raja Yoga. Các đạo sư Yoga lỗi lạc qua nhiều thế hệ là bằng chứng hùng cụ thể nhất như các ngài: Patanjali, Shankara, Ramakrishna, Vivekananda, Krishnamuti, Sri Aurobindo, Krishnamacharya, Sivananda, Iyengar….
Ngoài ra còn có Mantra Yoga, song song với việc thực hành các tư thế cộng với các phương pháp kiểm soát hơi thở, hành giả còn thực hành bằng cách trì tụng những câu thần chú.
Laya Yoga là một hình thức khác của Kundalini Yoga nhằm đánh thức mạnh tiềm ẩn trong người bằng các phương pháp thiền động làm khai thông các kinh mạch và các trung tâm lực trong cơ thể. Phương pháp này phải có chân sư trực tiếp hướng dẫn, không nên tự tập một mình.
Các phương pháp Yoga được dạy dưới hình thức khác nhau, nhưng thường dạy theo cách truyền khẩu giữa thầy với trò là phổ biến nhất. Những kỹ thuật về thực hành Tư thế, các phương pháp hít thở, cách thực hành các nghi thức giữa các trường phái khác nhau có nhiều điểm dị biệt. Vào khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên, ngài Patanjali mới hệ thống lại các phương pháp Yoga và soạn ra bộ Yoga Sutra. Đây được xem là một trong những văn bản đầu tiên được kết tập thành sách, nó được truyền dạy và học tập từ đó cho đến ngày nay. Hầu hết tất cả những bậc thầy Yoga qua nhiều thế hệ người Ấn cũng như những bậc thầy của những quốc gia khác bên ngoài Ấn Độ đều viết sách chú giải về những lời kinh của ngài Patanjali. Ở Việt Nam, vào thập niên 70, thầy Nawami, Thuần Tâm cũng có bản chú giải bản kinh của ngài Patanjali.
Ngài Patanjali được xem là một trong những vị tổ sư Yoga vĩ đại nhất, ngài thường khuyên người học nên bắt đầu từ Hatha Yoga, rồi dần dần tiến tới Raja Yoga. Đây còn gọi là Yoga cổ điển và quá trình thực hành
Yoga làm 8 bậc:
1. Yama (giới): tự kiểm soát, ở đây là tự kiểm soát chứ không phải kìm nén.
2. Niyama (luật): tuân thủ kỷ luật một cách đều đặn, không nộ lệ vào bản năng của mình.
3. Asana (tư thế): thân thể ở vào trạng thái thanh thản, nghỉ ngơi sâu sắc, lúc này tâm trí hướng về hơi thở, hơi thở là cầu nối giữa thế chất và tinh thần hay xúc cảm.
4. Pranayama(điều khí): khi cơ thể ở trạng thái thảnh thơi, thì ta hãy điều hòa hơi thở, mỗi người cần quan sát và hãy tự tìm ra nhịp thở của chính mình.
5. Pratyahara (làm chủ giác quan): sau khi đã điều hòa được hơi thở rồi thì tới bước Pratyahara, người ta trở về với bản tính của mình hơn.
6. Dharana (tập trung): cố dịnh ý thức vào một điểm bên ngoài hoặc bên trong cơ thể.
7. Dhyana (thiền): trạng thái tĩnh lặng mà sáng suốt.
8. Samadhi: Tam muội, còn gọi là Tam ma địa hay Đại định.
Sau ngài Patanjali, từ tám bậc của Raja Yoga, các hành giả Yoga chỉ thực một số bậc, vna64 tuân thủ các bước: Yama, Niyama, Asana, Pranayama…. còn gọi là Hatha Yoga.
Theo thời gian, nhất là thời hiện nay, một số nơi tập luyện Hatha Yoga chỉ chú trọng vào Asana, điều này có ưu điểm và cũng có khuyết điểm. Ưu điểm là tập luyện nhiều tư thế, tác động lên mọi ngóc ngách của các cơ xương khớp toàn thân, hầu như tất cả các Tư thế (Asana) của Yoga điều bắt nguồn từ Hatha
Yoga, nhưng chú trọng nhiều quá vào tư thế cũng không tốt nếu không có hơi thở và tâm trí đặt vào đó. Vì vậy tập luyện Hatha Yoga phải gồm đủ 3 phần: điều thân, điều khí và điều tâm.
Hatha do hai từ ghép lại: Ha là Mặt Trời, đồng nghĩa với dòng dương trong cơ thể, hơi thở ra và hít vào bên mũi phải, Tha là Mặt Trăng đồng nghĩa với dòng âm trong cơ thể, hơi thở ra và hít vào bên mũi trái. Nói một cách cụ thể hơn trong cơ thể con người có hai phần là thể chất và tinh thần. Nếu thể chất và tinh thần kết hợp hoài hòa với nhau thì cơ thể sẽ có sức khỏe bền vững. Nếu đạt được điều này, con người còn mơ ước và không ngừng nỗ lực vươn tới sự sống của cá nhân hài hòa với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Điều này học thuyết Đông phương gọi là Thiên – Địa – Nhân hợp nhất.
Qua sự hợp nhất của hai phần Âm Dương, khả năng sáng tạo được mở toang ra. Hatha Yoga chủ trương các bài tập thể dục tĩnh giúp cơ thể khỏe mạnh và tập thở giúp cho dòng Dương và dòng Âm trong cơ thể chúng ta được quân bình, kết hợp hài hòa với nhau. Hatha Yoga đặc biệt chú trọng cách kiểm soát thân thể, hơi thở, tâm trí và những cảm xúc. Đồng thời phương pháp này còn xây dựng việc bảo tồn sức lực, luyện cho tinh thần được tự chủ, đem lại quân bình, sự trầm tĩnh cho tâm hồn với sự gia tăng nhạy cảm và một sự hiểu biết mới về mọi khía cạnh cuộc đời….Trong Yoga, sự phát triển cá nhân là một quá trình hoàn toàn mang tính chất cá thể, mỗi người thích nghi với bài tập nào tùy theo sở thích, điều kiện của bản thân. Đó là lý do mà Yoga thành công ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính và không bị ngăn trở bởi bệnh tật.
Sau thời của ngài Patanjali, còn xuất hiện Vajra Yoga (Vajra có nghĩa là Kim cương, Có thể gọi là Mật tông Ấn Độ – một sự kết hợp giữa Phật giáo Đại thừa và Hindu giáo; cũng như ở Trung Quốc có một số tông phái là sự kết hợp của Phật giáo và Lão – Trang ).Vị tổ sư có ảnh hưởng sâu rộng nhất của truyền thống này là ngài Saraha. Vào khoảng thế kỷ thứ VIII, pháp môn này được truyền sang Tây Tạng, khởi đầu là hai ngài Padmasambhava và Atisha, cho tới Tilopa, Naropa, Marpa. Từ ngài Marpa truyền cho Milarepa – một thiền giả vĩ đại nhất Tây tạng được mọi người dân yêu quí. Từ ngài Milarepa truyền cho ngài Gampopa, Gampopa được xem là vị đại đệ tử vô song như ánh mặt trời của ngài Milarepa. Dòng truyền thừa này được duy trì cho tới ngày nay là đức Pháp vương Gyalwang Drukpa.
Tây Tạng còn một đại sư vĩ đại khác là Tsongkhapa (1395 – 1419), ngài được xem là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát, vị tỳ kheo nghiêm trì giớ luật cẩn mật nhất, hành giải chân tu thật chứng, đa văn quảng kiến. Nhà cánh mạng tôn giáo vĩ đại nhất Tây Tạng, ngài đề xướng việc nghiêm trì giới luật của ba thừa (Tiểu thừa, Đại thừa và Mật thừa), hợp nhất các giáo nghĩa của Luật giáo, Hiển giáo và Mật giáo của tất cả các tông phái Ấn Độ và Tây Tạng. Ngài định lập chế độ chuyển lập chế độ tái sinh từ đức Datlai Latma I cho đến đức Datlai Latma XIV ngày hôm nay.
Trong khoảng thế kỷ XV – XVIII là giai đoạn Hatha Yoga phát triển rất mạnh mẽ tại Ấn Độ, bằng việc ra đời của các bộ sách: Hatha Yoga Pradipika do hiền giả Svatmarama biên soạn.Tiếp theo là quyển Gheranda Samhita và Shiva Samhita của nhà Yoga Srinivasabhatta Mahayogindra và bộ kia là của một tập thể các nhà Yoga biên soạn. Gồm đầy đủ các nội dung: Yama, Niyama, Asana, Pranayama, Pratyhara, Dhyana, Samadhi, Mudra, Bandha, Nadis, Charkra, Kundalini…
Nối tiếp theo sau, vào thế kỷ XIX pháp môn Kriya Yoga xuất hiện trở lại qua sự truyền dạy của Mahavatar Babaji, truyền cho Lahiri Mahasaya. Dưới sự giảng dạy của Lahiri Mahasaya Kriya Yoga được truyền dạy khắp Ấn Độ. Lahiri Mahasaya truyền cho Yukteswar, sau đó truyền cho ngài Yogananda.
Yogananda (1893 – 1952), ông sinh ra tại vùng Gorakhpur của Ấn Độ, từ thủa nhỏ ông đã có thói quen trầm tư mặc tưởng, hay đi tìm học với các nhà hiền triết và các vị thánh Hinhdu,hy vọng tìm được một Guru để gửi trọn niềm tin về tâm linh. Vào năm ông 17 tuổi, cơ duyên ông gặp được ngài Yukteswar. Theo truyền thống của người Ấn Độ,khi nhân duyên chín mùi thì thầy trò sẽ hội ngộ và người thầy sẽ giúp trò học hỏi tiếp con đường đạo trải dài qua nhiều kiếp tái sinh. Từ đó ông được học Kriya Yoga dưới sự hướng dẫn của thầy mình. Năm 1915 ông chính thức gia nhập dòng tu Swami và trở truyền nhân của ngài Yukteswa, khôi phục và truyền bá Kriya Yoga.
Năm 1920 vâng lời của sư phụ, ông có nhiệm vụ truyền bá Yoga ra nước ngoài,năm đó ông tham dự Đại hội tôn giáo thế giới tổ chức tại Mỹ. Cũng vào năm ấy, ông sáng lập hiệp hội mang tên Self Realization Fellowship để phổ biến ra thế giới các phương pháp thực hành Yoga và các hệ thống thiền định của Kriya Yoga. Từ đó cho tới năm cuối đời (1952) ông diễn thuyết khắp nước Mỹ và truyền dạy pháp môn Yoga này Châu Âu và khắp thế giới. Hiện nay môn đệ của ông vẫn tiếp nối công việc truyền dạy Kriya Yoga. Có thể nói ngài Yogananda là một trong những vị thầy Hindu đầu tiên truyền dạy Yoga sang Mỹ và định cư ở đó.
Sở dĩ gọi Kriya Yoga xuất hiện trở lại là vì Kriya Yoga là pháp môn Yoga rất cổ, cũng được truyền dạy trong Kinh Gita, loại Yoga này cũng tương tự như Raja Yoga của ngài Patanjali, và cũng được ngài Patanjali truyền dạy. Cách thực hành của nó giống như Kundalini Yoga . Bao gồm kỷ luật kiểm soát thân thể, kiểm soát tâm trí, thực hành Pramayana,trì tụng và quán tưởng thần chú Om (Aum). Hành giả còn vận khí xoay dọc theo trung tâm lực từ xương cụt cho tới não tủy (các Chakra) tương ứng với 12 cung hoàng đạo trong thiên văn học. (Thực hành loại Yoga này hay bất kỳ loại Yoga nào khác đều phải tuân thủ bước 1,2 là Yama và Niyama. Tùy loại Yoga khác nhau mà có sự khác biệt thực hành các bước 3 – 7, bước thứ tám Samadhi là kết quả sau khi đã thực hành tốt bảy bước trước đó).
Vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ XX, môn đệ của ngài Yogananda là Kriyananda thành lập hệ phái Ananda Yoga, giảng dạy ở Mỹ, Châu Âu và cả Ấn độ nữa. Phương pháp này là sự kết hợp của Kriya Yoga và Hatha Yoga, chú trọng thực hành Asana và Pranayama rồi tiến tới thực hành Raja Yoga!
Trước đó, một bậc thầy Yoga lỗi lạc cũng giảng dạy tại Hoa Kỳ đó là ngài Viveekananda (1863 – 1902), là một trong những lãnh tụ tâm linh có tầm ảnh hưởng nhất của triết lý Vedatan sau ngài Sankara. Ngài cũng vâng lệnh thầy mình là Ramakrishna, thực hiện sứ mạng truyền dạy Yoga sang Phương Tây. Năm 16 tuổi Vivekananda đã học khoa triết học, logic học và lịch sử các nước phương tây, do đó ông có kiến thức rất sâu rộng, quán thông cổ kim. Điều này mở dường cho ông sau này giảng dạy tại phương Tây.
Năm 1881 ông gặp thầy mình là ngài Ramakrisha và nhận được sự chân truyền của ngài. Tiếp sau đó là cuộc hành trình dài của ông du hóa khắp đất nước Ấn Độ. Trong những chuyến đi này ông được tiếp xúc với mọi tầng lớp, và nhiều nền văn hóa khác nhau trong xã hội. Từng ở những dinh thự của vua chúa hay những túp liều của người nghèo khổ. Ông thấy sự bất công trong xã hội dựa trên những định kiến của giai cấp và tôn giáo, nên có ý định canh tân nền văn hóa để tiến bộ. Ông bắt đầu thuyết giảng những vấn đề về Ấn Độ và Ấn Độ Giáo cho các bạn trẻ đương thời, họ rất nồng nhiệt đón nhận.
Năm 1893 Vivekananda đại diện cho Ấn Độ giáo tham dự Hội nghị tôn giáo quốc tế tại Mỹ.Sau đó ông thành lập trung tâm Vedantic ở New York và London, và du hành diễn thuyết ở nhiều đại học lớn của phương tây. Một loạt bài về Ấn Độ giáo làm cho người phương Tây thấy rõ một truyền thống triết học sống động và thực tế. Năm 1897 ông trở về Ấn Độ. Khi về nước ông tiếp tục thuyết giảng về Yoga. Bài giảng rất đa dạng, bao gồm: Raja Yoga, Karma Yoga, Bhakti Yoga, Jnana Yoga. Chính những bài giảng này giúp nâng cao tinh thần xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Nó cũng có ảnh hưởng đến phong trào bất bạo động của ngài Gandhi đã giành độc lập cho dân tộc Ấn Độ từ thực dân Anh. Ông còn qua phương tây một lần nữa vào 1899 – 1990, sau đó về Ấn Độ và mất năm 1902.
Sau ngài Vivekananda thì tới Krishnamuti (1895 – 1986) là một triết gia tầm cỡ, ông thuyết giảng khắp thế giới, sách của ông được nhà văn Phạm Công hiện dịch sang tiếng Việt vào những năm 1970 và ông được học giả Nguyễn Duy Cần ví như Trang Tử của thế kỷ XX. Ông tự nhận mình không lệ thuộc quốc gia hay nền tôn giáo nào. Nhưng những bài giảng của ông nhấn mạnh về thiền định nhiều nhất và xuyên suốt cuộc đời của của ông đi khắp thế giới để giảng dạy thiền định, tác phẩm tiêu biểu của ông về thiền là: Thiền định – tự do đầu tiên và cuối cùng. Ở góc độ Yoga mà nói có thể ông kế thừa Jnana Yoga và Raja Yoga.
Sau Krishnamuti còn có Bhagwan Shree Rajneesh (1930 – 1991) tích hợp tất cả các truyền thống, từ cách thực hành của đức Krishna trong kinh Gita cho tới các kỹ thuật Mật tông của ngài Sahara, các kỹ thuật Sufi của Hồi Giáo. Ông cũng giảng về Phật Gotama, Mahavia, Chúa Jesu, Lão tử, Trang tử… Ông đặc biệt nhấn mạnh truyền thống thiền tông Trung Hoa từ thời Bồ Đề Đạt Ma cho đến ngài lục tổ Huệ Năng, thiền Lâm tế, thiền Tào Động và truyền thống Zen của Nhật Bản. Ông cũng dạy cách thiền động do ông sáng tạo (thật ra đây là kỹ thuật kế thừa từ Kundalini Yoga) rất được người Ấn Độ và nhất là người phương tây thực hành. Hiện nay phương pháp này đã có mặt khắp nơi trên thế giới!
Trong tất cả các lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng đều trải qua các thời kỳ thăng trầm; có lúc lên tới cực điểm, cũng có lúc suy tàn, có khi thất truyền. Tuy vậy, vào những thời điểm nhất định đều có những bậc thầy lỗi lạc ra đời để chấn hưng hoặc và khôi phục lại. Yoga cũng vậy! Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có ngài Krishnamacharya, một bậc thầy Yoga lỗi lạc, ngài cùng với Swami Sivanand được xem là cha đẻ của nền Yoga hiện đại.
Krishnamacharya (1888 – 1989): ông sinh ra trong một gia đình Hindu chính thống, cha ông là một luận sư nổi tiếng về kinh Veda, ngay từ nhỏ ông đã được học kinh Veda từ cha mình và tập Asansa cùng với thực hành Pramayana. Ông được học từ các trường học chính qui về triết học Vadatan, Upanisad, toán học, thông hiểu âm luật cổ truyền Ấn Độ và là một y sĩ về Ayurvedic. Ayuvedic là nền y học cổ truyền của người Ấn Độ, cũng giống như nền y học cổ truyền của người Trung Hoa, Tây Tạng, Việt Nam…. thế mạnh của nền y học cổ truyền của nền y học Ayurvedic là nguồn thảo dược rất phong phú, các loại gia vị và các loại tinh dầu do đất nước Ấn Độ rất rộng lớn, có rừng nhiều nguyên sinh, là nơi sinh trưởng của nhiều loại thảo mộc.
Vào thời trai trẻ, ông cũng đi khắp Ấn Độ, lên Hymalaya, thậm chí qua Tây Tạng để học hỏi với những chơn sư về Yoga; ông cũng dành nhiều năm để nghiên cứu kinh điển của ngài Patanjali và thực hành Asana và Pramayana. Do đó, sau này thành lập trường dạy Hatha Yoga, ông dạy đầy đủ về Yoga cổ điển, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hành các tư thế (Asana) kết hợp với Pramayana (điều khí) và thiền định (Dhyana) song song với việc dinh dưỡng hợp lý và nền y học trị liệu Ayuvedic.
Năm 1931 ông được mời về làm giáo sư dạy Yoga tại trường đại học Mysore Ấn Độ, nơi đây có thể xem là cái nôi của nền Yoga hiện đại, hầu hết các bậc thầy Yoga nổi tiếng thế giới hiện nay đều học ở đây với ngài. Trong số những môn đệ của ngài có hai người lỗi lạc nhất, đó là B.K.S Iyenga và Sri K.Pattabhi Jois (Pattanbhi Jois được xem là người sáng lập Ashtanga Vinyasa Yoga). Tiếp theo sau đó làn những năm dài truyền dạy Yoga khắp Ấn Độ, ngài từng làm giáo sư đại học Vivekananda từ năm 1952. Ngài mất tại Ấn Độ năm 1989, cũng giống như Swami Sivananda, hai ngài không qua phương tây truyền dạy Yoga, nhưng nguồn sáng Yoga mà ngày nay chúng ta được hưởng ở khắp thế giới đều bắt nguồn từ hai ngài.
Một số tác phẩm tiểu biểu của Krishnamacharya: Các nguyên tắc của Yoga, Tiểu luận về Asana và Pramayana, Tầm quan trọng của thực phẩm và Yoga trong việc duy trì sức khỏe (sự kết hợp Ayuvedic và Yoga), Những bài chú giải về Kundalini trong ba quyển: Hatha Yoga Pradipika, Gheranda Samhita và Shiva Samhita.
Swami Sivananda (1887 – 1963): là một đạo sư Yoga lỗi lạc cùng thời với Krishnamacharya, ngài còn là một bác sĩ đã dành phần lớn cuộc đời để chữa bệnh cho những bệnh nhân nghèo (ngài cũng rất am tường nền y học Ayuvedic). Ngài là người sáng lập Viện hàn lâm Yoga tại Ấn Độ. Thầy của ngài là hiền giả Vishwananda Saraswati, dưới sự chỉ dạy của thầy mình, ngài dành nhiều năm khổ hạnh để thực hành Yoga (trong truyền thống của người Ấn Độ, người ta tin rằng sự khổ hạnh sẽ đưa hành giả tới chân lý. Ở đây sự thực hành khổ hạnh trong một điều kiện cho phép dưới sự giám sát của vị chân sư; đây cũng giống như trường hợp thực hiện hạnh Đầu đà của ngài Ca Diếp – Đại đệ tử của Phật Thích Ca).
Vishnu Devananda (1927 – 1993):
Năm 1957, đạo sư Swami Sivananda cử học trò xuất sắc nhất của mình là Swami Vishnu Devananda truyền dạy Yoga sang Mỹ. Swami Vishnu devananda cùng với B.K.S Iyenga được xem là hai bậc thầy lỗi lạc nhất về Hatha Yoga thời hiện đại, hai ngài đã làm sáng tỏ Yoga một cách khoa học nhất và dễ hiểu nhất để mọi người có thể học được. Đến thời điểm này, Yoga đã trở thành tài sản chung của nhân loại, chứ không còn là của riêng của người Hindu. Tác phẩm tiêu biểu nhất của Swami Vishnu Devananda là quyển The complete illustration book of yoga, nhà Yoga Hải Ân biên dịch sang tiếng Việt với tựa đề: Yoga toàn thư.
Phương pháp Sivananda Yoga tương đối toàn diện, tuân thủ năm qui tắc chung của Yoga:
1. Rèn luyện thân thể đúng cách (asana).
2. Thở đúng, thở tốt để hấp thụ được nhiều dưỡng khí, Prana (Pranayana).
3. Thư giãn đúng (Savasana): thư giãn thể chất lẫn thư giãn tinh thần.
4. Chọn thức ăn thiên nhiên, khuyến kích hành giả Yoga nên ăn chay.
5. Suy nghĩ và hành động tích cực song song với việc hành thiền (thực hành bước 1, 2, 5, 6,7).
Cụ thể một buổi tập bao gồm: Tâm niệm trước khi tập (có thể cầu nguyện đấng giác ngộ mà mình tôn thờ hoặc tỏ lòng biết ơn đến các vị tổ Yoga) – Chào mặt trời – Thư giãn – Trồng chuối – Cây nến – Cái cày – Con cá – Thư giãn – Cúi về trước – ngả ra sau – Vặn cột sống – Tập thăng bằng trên tay – Tập thăng bằng trên chân – tập bàn chân – Thư giãn sâu – tập bụng – điều khí và tham thiền.
Sau ngài Vishnu Devananda, những môn đệ khác của ngài Sivanada cũng truyền dạy Yoga qua Cannada, Châu Âu, Châu Phi và các nước châu Á khác như Malaysia, Singapore…. Ngày này phương pháp này được truyền dạy khắp thế giới mang tên Sivananda Yoga.
Song song với ngài Vishnu Devananda còn có ngài B.K.S Iyengar Yoga là một đại sư Yoga thông suốt các trường phái Yoga từ thời cổ cho tới hiện đại, ngài là người kế thừa xuất sắc của Krishnamacharya – cha đẻ của nền Yoga thời hiện đại.
Iyengar (1918 – 2014): Ngài sinh ra trong một gia đình Bà la môn có truyền thống lâu đời. Ông là một trong những trường hợp hiếm hoi của Yoga, là một tấm gương lớn cho người đời sau (Ở Việt Nam cũng có BS. Nguyễn Khắc Viện là một tấm gương lớn về nghị lực vượt qua bệnh tật). Ông bị suy dinh dưỡng từ nhỏ, lại sống trong môi trường và thời điểm có dịch bệnh hoành hành, nên ông mắc các bệnh: lao, sốt rét, sốt thương hàn….
Năm 1934, hội đủ cơ duyên chính muồi, Iyengar được học Yoga dưới sự chỉ dạy ngài Krisnamacharya, từ đó ông đã cải thiện dần sức khỏe của mình và ngày càng trở nên tráng kiện. Dưới sự chỉ dạy của thầy, ông thực hiện trọn vẹn một loạt các tư thế cao cấp của Yoga. Theo lời kể của rất nhiều đệ tử, vào tuổi 90 ngài Iyengar vẫn dành 3 giờ hàng ngày tập Asana và 1 giờ tập Pramayana. (Ngài từng được tạp chí Time bầu chọn là 100 nhân vật ảnh hưởng đến thế giới năm 2004).
Năm 1937, ông được thầy mình cử đến Puna để truyền dạy Yoga, trong đó có những nhân vật quan trọng: Krishnamurti, một số nhân vật trong hoàng gia…
Năm 1952, ông mở trường trường dạy Yoga ở Anh, Pháp và Thụy sĩ. Từ đây Yoga hiện đại được truyền dạy tại Châu Âu và nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới.
Năm 1975, ông thành lập học viện Yoga của mình Tại Ấn Độ. Từ đó cho đến ngày nay, ông vẫn không ngừng giảng dạy Yoga và làm cố vấn cho các học viện Yoga trên khắp thế giới. Phương pháp dạy Yoga của ngài Iyengar nhấn mạnh tập chính xác các tư thế cộng với việc hít thở tốt trong khi giữ tư thế vững chắc.
Ngày nay, các học trò của ngài gọi phương pháp tập luyện này là hệ phái Iyengar Yoga. Đây là một hình thức của Hatha Yoga được tích hợp từ nhiều trường phái Yoga cổ điển, cách thực hành phương pháp tập luyện này cũng luôn bám sát 8 tám bậc của Yoga và lấy kinh điển của ngài Patanjali làm kim chỉ nam. Light on the Yoga sutra of Patanjali là tác phẩm tiểu biểu. Ngoài ra ngài Iyenga còn những tác phẩm quan trọng khác làm sáng tỏ Yoga như: Light on Pranayama, đặc biệt là quyển Light on Yoga (Ánh sáng Yoga) là quyển sách nổi tiếng nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, tác phẩm của ngài được dịch sang tiếng Việt với tựa đề: Yoga toàn tập.
Ngài Iyengar cũng là một trong những người đầu tiên sáng chế và sử dụng đạo cụ hỗ trợ trong khi tập Yoga. Những dụng cụ này rất đa dạng như: dây, bục gỗ, các loại ghế dựa hoặc ghế đỡ, gối bông, túi cát….. khi có những dụng cụ này thì đối tượng tập Yoga được mở rộng hơn, từ những người lớn tuổi bị cứng khớp, những người bị bệnh hay những người bị chấn thương. Do đó phương pháp Iyengar Yoga cũng được tập luyện và giảng dạy khắp nơi trên thế giới.
Song song với ngài Iyengar, người học trò xuất chúng thứ hai của ngài Krisnhamacharya là Pattanbhi Jois. Ông sinh năm (1915 – 2009), học Yoga từ năm 12 tuổi, và có nhiều năm thận cận và học hỏi với ngài Krisnamacharya. Năm 1948, ông thành lập viện nghiên cứu và giảng dạy Yoga ở Mysore Ấn Độ, phương pháp này gọi là Ashtanga Vinyasa Yoga, còn gọi là Ashtanga Yoga. Đây cũng là một dạng khác của Hatha Yoga, được kết thừa từ một văn bản cổco tên là Yoga Korunta cách nay khoảng 1.500 năm. Nguyên tắc tập luyện này cũng dựa trên tám giai đoạn trong Yoga Sutra của hiền giả Patanjali. Ashtanga Yoya bao gồm một chuỗi các tư thế phối hợp với hơi thở tạo thành một dòng chảy năng lượng khắp cơ thể và tác động lên tâm trí, gồm 4 bước:
1. Vinyasa: chuyển động ăn khớp, nhuần nhuyễn với hơi thở.
2. Ujjayi Pramarana: làm chủ hơi thở, hơi thở chiến thắng
3. Bandha Mudra: niêm khí hay khóa bao gồm Mula Bandha: Co thắt cơ vòng hậu môn, cơ đáy chậu; Uddiyana Bandha: co thắt các cơ vụng bụng dưới, xung quanh vùng rốn; Jalandhara Bandha: co thắt các cơ vùng cổ họng.
4. Drishti: tập trung vào một điểm. Khi tập một tư thế phối hợp với hơi thở, lúc giữ yên lặng, hướng sự tập trung vào một điểm để tác dụng toàn diện lên cơ thể cả về thể chất lẫn tâm trí. Khi đứng ở thế Núi hay tư thế ngồi Hoa sen thì giữ cột sống thẳng – LX1 thẳng hàng với LX7 (huyệt Hội Âm và Bách Hội thẳng hàng). Ngoài ra còn có các điểm tập trung khác nhau tùy theo tư thế cụ thể là tập trung vào giữa hai chân mày – chóp mũi – rốn – thân bên phải – thân bên trái – lòng bàn tay – ngón tay cái – các ngón chân…
Đạo sư Sivananda là một tác giả sung mãn, viết gần 300 quyển sách về Yoga, Swami Vishnu Devananda và B.K.S Iyengar cũng viết rất nhiều sách về Yoga. Nhưng ngày Pattanbi Jois chỉ viết một quyển sách duy nhất là Yoga Mala vào năm 1956.
Vào thập niên 70 Ashtanga Yoga được giảng dạy tại Bỉ và nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu, người Châu Âu rất thích tập phương pháp này, có thể nói người Châu Âu tiếp Ashtanga Yoga nồng nhiệt nhất, có thể vì nó rất phù hợp với thể chất của họ. Dựa vào điều này mà có một số tác giả cho rằng Ashtanga Yoga là do người Phương tây sáng lập ra! Ashtanga Yoga đã được truyền dạy khắp Ấn Độ trước khi được truyền bá vào phương Tây. (Power Yoga mới là do người Phương tây lập ra). Bài tập đặc trưng của Ashtanga Yoga là nhảy lên, nhảy xuống để tập sức mạnh của hai vai và cổ tay. Thực ra phương pháp này cũng có nguồn gốc từ môn võ vật cổ truyền Ấn Độ; thời hiện đại, môn thể dụng dụng cụ của phương tây cũng chịu ảnh hưởng của những bài tập Ashtanga Yoga. Trong giai đoạn đầu của phong trào Olympic hiện đại, người Châu Âu và Mỹ thống trị trong môn Thể dục dụng cụ. Hiện nay (2013), môn Thể dục dụng cụ có vẻ cân bằng hơn do có ba cường quốc Châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là đối trọng với Mỹ và Châu Âu.
Đến thập niên 80, Pattanbhi Jois đích thân giảng dạy Ashtanga Yoga sang Mỹ và nhiều lần sang Úc Châu giảng dạy. Suốt 20 năm, ông nhiều lần sang Mỹ để giảng dạy theo định kỳ. Cũng giống như thầy của mình, Pattanbhi Jois không định cư ở Mỹ hoặc Châu Âu. Thời gian làm việc chính của ông là ở Viện nghiêng cứu Ashtanga Yoga tại Ấn Độ, từng là giáo sư Yoga tại Đại học Y khoa của chính phủ Ấn Độ. Pattanbhi Jois mất tại Ấn Độ năm 2009, cháu của ông là Sharath Jois (sinh năm 1971) tiếp tục công việc giảng dạy Ashtanga Yoga tại Ấn Độ và khắp nơi trên thế giới!
Trong số những học trò của ngài Krishnamachayar còn có và Idra Devi mở trường dạy Hatha Yoga đầu tiên ở Hollywood, từ lúc này đã đào tạo ra nhiều giáo viên người phương Tây. Những giáo viên này kết hợp với những giáo viên Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh phong trào tập luyện Yoga khắp nước Mỹ và Châu Âu.
Sau khi các bậc đại sư Ấn Độ truyền bá Yoga vào Mỹ và Châu Âu, chủ yếu là Hatha Yoga và Ashtanga
Yoga dưới nhiều hình thức khác nhau. Dựa vào Ashtanga Yoga , Sivanada Yoga và Iyenga Yoga ở phương tây xất hiện thêm Power Yoga. Power Yoga cũng tuân thủ 8 bước của Yoga cổ điển, nhưng ở bước Asana thì thực hiện các bài tập thành chuỗi (thật ra 12 động tác chào Mặt trời của Hatha Yoga hoặc 18 động tác chào mặt trời của Ashtanga Yoga là bài tập chuỗi, tư thế nối tiếp nhau phối hợp nhịp nhàng với hơi thở).
Ngày nay phương pháp Power Yoga cũng phát triển rất mạnh và không ngừng phát triển, người tập phương pháp này dựa trên những Asana cổ, sau đó sắp xếp theo nhiều trình tự khác nhau mà thành nhiều chuỗi bài tập rất phong phú và đa dạng.
Ngoài ra người Mỹ còn sáng tạo ra Bikram Yoga hay là Hot Yoga, bài tập cũng dựa vào những tư thế của Hatha Yoga, nhưng được tập trong một căn phòng 40 độ C.
YOGA TẠI VIỆT NAM
Sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có từ lâu đời: vào khoảng thế kỷ thứ III, chúng ta được hấp thụ sự truyền dạy từ các môn đệ của ngài Gotama. Lúc đó, một phần của nước ta gọi là Giao Chỉ. Ngài Khương Tăng Hội, môn đệ của ngài Gotama, đã dịch bộ kinh An ban thủ ý (kinh quán niệm hơi thở). Phương thức tập luyện có thể manh nha từ lâu đời, nhưng chưa đúc kết thành phương pháp hoàn chỉnh từ lý thuyết cho đến thực hành. Một phần cũng có thể do lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam gắn liền việc chống giặc ngoại xâm trải dài nhiều thế kỷ.
Sau ngài Khương Tăng Hội, đến thời kỳ thiền Tông được truyền vào Việt Nam qua các dòng thiền Tỳ – Ny – Đa – Lưu – Chi, thiền phái Vô Ngôn Thông,thiền phái Thảo Đường, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử…. cho tới thời hiện nay là thiền trúc Lâm Phụng Hoàng do Thiền Sư Thích Thanh Từ khôi phục lại Thiền học đời Trần. Thiền học của Thiền sư Nhất Hạnh nối tiếp truyền thống của ngài Khương Tăng Hội. Ngoài ra còn có thiền phái Lâm Tế do ngài Nguyên Thiều Liễu Quán và sau này là Thiền Sư Thích Duy Lực truyền dạy.
Trong giới Y học Việt Nam có hai vị bác sĩ đã nghiên cứu và thực hành Yoga, giải thích Yoga dưới ánh sáng của Y học. Hai vị BS này đều có đóng góp lớn lao cho nền Y học và nền văn hóa nước nhà đó là BS.Nguyễn Khắc Viện và BS. Nguyễn Văn Hưởng.
PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH NGUYỄN KHẮC VIỆN:
Nguyễn Khắc Viện tự giới thiệu phương pháp của mình như sau: Thời trẻ, tôi là một thanh niên khỏe mạnh, thường hay đá bóng, chạy bộ, bơi lội, xà đơn, xà kép cũng thường tập. Năm 27 tuổi, với vốn thể dục ấy và mảnh bằng bác sĩ không ngăn cản được mắc bệnh lao nặng. Nằm viện mất 10 năm, lên bàn mổ 6 lần. Lúc xuất viện, phổi bị cắt hết một bên, bên còn lại bị cắt hết 1/3, trong bệnh án ghi: thiếu thở trầm trọng, không được làm việc, sống nhiều lắm là vài ba năm, nếu không chết vì bệnh lao tái phát cũng chết vì suy tim.
Biết là thuốc men không thể cứu được mình, BS Viện bèn nghiêng cứu thực hành các bài tập Yoga, nhất là bài tập thở, và ông đã thành công, không những ông hoàn toàn khỏe mạnh mà còn sống thọ đến 85 tuổi. BS Nguyễn Khắc viện còn thành lập ra bộ môn dưỡng sinh để truyền dạy lại cho mọi người, phương pháp này nhấn mạnh muốn nâng cao khỏe, làm tăng sức đề kháng trong cơ thể, phòng chữa bệnh mạn tính thì phải thở đúng – thở tốt, ăn uống hợp lý, tinh thần thoải mái. BS.Nguyễn Khắc Viện áp dụng cách thở bung của Yoga, thóp bụng thở ra, phình bụng hít vào, thở ra dài hơi hơn hít vào. Những động tác Yoga thì lấy bài Chào mặt trời làm bài tập cơ bản,và tập những động tác Yoga như ngày nay chúng ta đã biết. Cũng như BS. Nguyễn Văn Hưởng, BS. Nguyễn Khắc Viện có giản hóa một số bài tập lại để cho mọi người dễ tiếp nhận, thậm chí những người bệnh cũng có thể tập được. Trong lúc tập cũng chú ý luyện thở và tập trung tinh thần. Có thể tóm gọn lại trong câu: LUYỆN THỞ – LUYỆN SỨC – LUYỆN THẦN KINH!
Sau khi BS Nguyễn Khắc Viện qua đời, người kế thừa là thầy Nguyễn Minh Kính. Thầy Kính truyền lại cho cô Lê Thị Ái Liên và cô Liên đang giảng dạy phương pháp này tại Cung Văn Hóa Lao Động tại TP. Hồ Chí Minh.
PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH NGUYỄN VĂN HƯỞNG:
Vào năm 1970, BS Nguyễn Văn Hưởng lúc đó 64 tuổi, bị tai biến mạch máu não gây hôn mê và liệt nửa người, dùng thuốc đông và tây y kết hợp chỉ giảm bớt được một phần. Một thời gian sau tái phát trở lại: Cao huyết áp, mất ngủ, tiêu hóa kém, liệt nửa người và không làm việc được. Lúc đó BS nghiên cứu và thực hành phương pháp dưỡng sinh của người xưa, chủ yếu là các cách luyện khí công kết hợp với dùng thuốc đông tây y. (Trong phép luyện khí công, BS. Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh cách thở 4 thời có kê mông và giơ chân để quân bình hệ thần kinh thực vật, và có một đóng góp lớn lao trong việc tập khí công, Yoga trong việc giải thích trạng thái nín thở phải mở thanh quản).
Một thời gian sau, ông gần như phục hồi hoàn toàn, trở lại làm việc tích cực và thành lập nên
phương pháp dưỡng sinh. Tại thời điểm này, cách tập luyện chỉ gọi là phương pháp dưỡng sinh. Sau khi BS. Nguyễn Văn Hưởng qua đời thì các học trò của ông mới gọi đây là Phương pháp dưỡng sinh Nguyễn Văn Hưởng.
Hiện nay phương pháp này được giảng dạy tại khoa Y học cổ truyền của trường Đại học Y – Dược TP.HCM do TS.BS.PGS Phạm Huy Hùng và các cộng sự giảng dạy. Tập luyện phương pháp này nhằm 4 mục đích:
1. Bồi dưỡng sức khỏe
2. Phòng bệnh
3. Từng bước chữa bệnh mạn tính
4. Tiến tới sống lâu và sống có ích.
Phương pháp dưỡng sinh là phương pháp kết hợp nhuần nhuyễn của nền y học cổ truyền phương Đông và nền y học hiện đại phương tây. Y học hiện đại thì dựa vào học thuyết Paplop về phản xạ có điều kiện làm nền tảng.
Nền y học phương Đông thì dựa vào lý luận của Trung y trong sách Hoàng đế nội kinh, học thuyết Âm – Dương, học thuyết Ngũ hành, học thuyết Tạng tượng, học thuyết Kinh lạc để ứng dụng trong châm cứu và xoa bóp, chủ yếu là tự xoa bóp. Ứng dụng các bài tập về tư thế của Yoga Ấn Độ, giản hóa và Việt hóa các bài tập để mọi người có thể tập được dễ dàng, thậm chí những người bệnh cũng có thể tập được.
Còn nền y học Việt Nam thì kế thừa từ hai bậc y tổ của Việt Nam là Thiền sư Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông theo tôn chỉ:
Bế tinh dưỡng khí tồn thần
Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình
Hoặc:
Giữ tinh, dưỡng khí,tồn thần
Thanh tâm, tiết dục, thủ chân, luyện hình.
Tập cho khí huyết lưu thông
Chân tay điêu luyện trong lòng thảnh thơi.
Kỹ thuật tập luyện phương pháp dưỡng sinh Nguyễn Văn Hưởng gồm các phần sau:
1. Luyện thư giãn.
2. Thở 4 thời có kê mông và giơ chân, thở 4 thời trong một động tác Yoga – chú ý mở thanh quản trong thời thứ hai (nín thở).
3. Thái độ tinh thần tích cực trong đời sống
4. Ăn uống hợp lý
5. Tập các động tác dưỡng sinh, và tự xoa bóp để thúc đẩy khí huyết lưu thông và chống xơ cứng khớp ở người lớn tuổi.
6. Điều hòa lao động, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Phương pháp dương sinh Nguyễn Văn Hưởng và phương pháp dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện là phương pháp kết hợp hài hòa nền y học cổ truyền và nền y học tiến trên thế giới.
SỰ TIẾP NHẬN YOGA TỪ VỊ CHƠN SƯ ẤN ĐỘ:
Vào thời cận đại, tại miền Nam các bậc sĩ nhân tiền bối đầu tiên của Việt Nam đã được tiếp nhận sự truyền Yoga từ vị Tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Ấn Độ tại Sài Gòn. Vào thập niên 50 của thế kỷ XX, tại Sài Gòn có ông Nguyễn Hữu Chánh, hay còn gọi là Lý Chánh Dân. Tham gia kháng chiến chống Pháp, không may bị thương và bị liệt hai chân, sau đó về an dưỡng tại Sài Gòn. Vào dịp này ông Chánh Dân được học Yoga từ một vị Tùy viên văn hóa tại Đại sứ quán Ấn Độ. (Hiện nay chúng tôi cũng không biết tên và năm sinh của vị tùy viên văn hóa Ấn Độ này, chúng tôi đoán ông cũng là một trong những môn đệ của ngài Krisnamacharya và là sư huynh đệ với các ngài Pattanbhi Jois, ngài Iyengar….)
Sau một thời gian tập luyện chuyên cần, cộng với độ tuổi còn trẻ nên khả năng phục hồi nhanh, ông Chánh Dân khôi phục lại sức khỏe, hai chân trở lại bình thường. Một điều tốt lành nữa là ông ta tiết tục tập luyện và nhận được sự chân truyền của bậc thầy Yoga Ấn Độ này. Sau đó một thời gian, ông ta tổ chức mở lớp dạy lại cho người Việt tại CLB Tinh Võ Quận 5. Hiện nay tại CLB Tinh Võ vẫn còn lớp tập Yoga hàng ngày do cô Nguyễn Thị Hoài hướng dẫn.
Ông Đỗ Văn Hai còn một sư đệ rất giỏi nữa là ông Trương Hưng. Thầy Trương Hưng đã mở lớp dạy Hatha Yoga tại CLB Bến Nghé – Quận 1. CLB Bến Nghé sau này dời về Trung tâm Thể dục thể thao Quận 1 tại đường Huyền Trân Công Chúa. Việc giảng dạy và tập luyện Yoga tại thời điểm này chủ yếu dành cho những người lớn tuổi và những người bị bệnh mạn tính, mang tính chất cục bộ, không phổ biến rộng như ngày nay. Tuy vậy, thầy Trương Hưng có hai học trò tiêu biểu đó là ông Nguyễn Văn Hùng và ông Nguyễn Văn Phương.
Những môn sinh đầu tiên của ông Chánh Dân cũng rất giỏi, hiện tại một số người đã mất, người còn sống hiện giờ cũng ở độ tuổi ngoài 80 vẫn còn khỏe mạnh. Một số vẫn còn đứng lớp dạy. Người đại đệ tử của ông Chánh Dân là ông Đỗ Văn Hai, là trưởng bộ môn Yoga đầu tiên của Tp. HCM trực thuộc Hội TDDS Tp. HCM dưới sự quản lý của Liên Đoàn Thể Dục và Sở Văn Hóa Thể Thao Tp.HCM (Hội dưỡng sinh thành lập năm 1991). Sau khi ông Đỗ Văn Hai hết nhiệm kỳ, ông Nguyễn Văn Phương (Ông Nguyễn Văn Phương gọi ông Đỗ Văn Hai Bằng sư bá) lên kế tục làm trưởng Bộ môn Yoga ( khoảng những năm 2002 – 2012). Năm 2014 Hội TDDS được tái cơ cấu trở lại trực thuộc UBND và Sở Văn Hóa Thể Thao Tp.HCM đồng thời thành lập Chi Hội Yoga TP. HCM, hiện nay cô Nguyễn Thị Hoài làm chủ Tịch Chi Hội Yoga
Vào khoảng năm 1960 – 1976, tại Sài Gòn có ông Nawami tổ chức giảng dạy và xuất bản sách về Yoga,trong số này có sách chú giải về 200 câu cách ngôn trong lời kinh của ngái Patanjali. Ông chủ trương tập HathaYoga rồi dần dần tiến tới tập Raja Yoga. Trong phần Yoga thiền định ông có kết hợp cách dạy của ngài Patanjali và Phật Thích Ca thông qua các bộ kinh Lăng nghiêm, kinh Kim Cang, Kinh Viên Giác…. Ngoài ra ông còn xuất bản quyển Yoga Thiền luận (thực chất đây là bộ Du già sư địa luận thuộ về Duy thức học Phật giáo).
Năm 1991 có một hệ phái Yoga được truyền vào Việt Nam, lúc đầu lấy tên là Tantra Yoga, Tantra Yoga là một hệ phái Yoga rất lâu đời của Ấn Độ được giảng dạy và tập luyện song song với các hệ phái Yoga khác. Sau này hệ phái Tantra Yoga tại Sài Gòn đổi lại thành “ Yoga sức khỏe hạnh phúc”. Nguyên tắc tập luyện dựa vào quyển “ Yoga for Health” của Avadhutika Anandamitra Acarya thuộc trung tâm Ananda Marga. Tantra Yoga được giảng dạy và tập luyện một số nơi như: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Tp. Hồ Chí Minh.
Năm 1992, Tantra Yoga đã mở khóa dạy Yoga tại Viện y học dân tộc Tp. Hồ Chí Minh….
Nguồn: Yogi: Thiên Hà l Tổng hợp từ internet