Viết tiếp câu chuyện… thở!
– Thầy tập Yoga bao lâu rồi?
– Hơn 20 năm.
– Thầy nín thở thời gian được bao lâu?
– 30 giây.
– Ồ! Tập yoga hơn 20 năm mà nín thở được chỉ có 30 giây sao? Tôi tập chưa được 1 năm mà nín thở được 2 phút đấy.
– Bạn giỏi quá! Nhưng bạn nín thở ở thời hít vào hay thở ra?
…!!! Để tôi thử lại xem. À! Hít vào rồi mới nín thở.
– Thế bạn có biết hít vào, nín thở có tác dụng gì không, và nín thở lâu quá nó có gây tác hại gì không?
– Việc này khó à nhe. Tôi chưa nghe nói đến việc này. Nhờ thầy giải đáp giúp.
– Với cách thở này bạn có kiểm soát được những cơn tức giận khi nó vừa bộc phát không? Bạn có giảm được tính nóng giận không?
– Ồ! Nghe thầy nói tôi mới sực nhớ là hình như tôi chưa bao giờ làm được điều này, mà nó còn có chiều hướng càng ngày càng tăng thêm.
– Bạn có biết vì sao không?
– Vì sao vậy thầy?
– Như chúng ta đã biết hít vào là Dương, thở ra là Âm việc này trong khí công và y học cổ truyền thường hay nói. Hít thở sẽ tác động vào hệ thống thần kinh thực vật. Hít vào tác động vào giao cảm, thở ra tác động vào đối giao cảm.
– Nhưng trong Yoga không hề nói đến việc này!
– Trong Yoga không nói đến nhưng bạn khi đã học thở, tập thở thì phải biết việc này. Nếu chưa biết thì phải học thêm về cơ chế thở.
– Khi tôi hít vào và ngưng thở được 2 phút như vậy có tốt không thầy?
– Việc này còn tùy thuộc vào thể tạng của mình nữa. Nên cần phải hiểu rõ thể tạng của mình thuộc về Dương nhiều hay Âm nhiều hoặc là cân bằng âm dương để tập một cách thở nào đó cho có hiệu quả chứ không phải cố gắng nín thở lâu là tốt dù rằng nín thở thì hít vào hoặc thở ra. Thế! Hiện tại bạn có biết là cơ thể của bạn đang là Dương chiếm ưu thế hay Âm đang vượt trội hoặc đã cân bằng âm dương?
– Việc này thì tôi mù tịt rồi, thầy có thể nói rõ hơn cho tôi được biết không?
– Trong cơ thể con người của chúng ta nếu lực Dương [LỰC ĐỘNG tiếng Phạn RAJAS] nhiều quá thì rất dễ nóng nảy, dễ căng thẳng khi có chuyện gì bất đồng ý kiến với mình, khó kiềm chế hoặc kiểm soát được cơn giận khi nó vừa khởi phát, rất khó giữ được bình tỉnh khi có những nguyên nhân xấu tác động vào.
– Nghe thầy nói tôi mới nhận ra là “CHẮC LỰC DƯƠNG TÔI RẤT MẠNH”. Ở nhà, vợ và con tôi làm những gì mà trái ý tôi là tôi la mắng khủng khiếp lắm, thậm chí còn… đánh nữa! Ở công ty mấy nhân viên dưới quyền của tôi thường bị tôi la rầy xối xả mà tôi không biết làm cách nào để kiềm chế? Thầy có thể hướng dẫn cho tôi một phương pháp nào để chế ngự cái tính nóng nảy này không?
– Bạn đã có một sai lầm rất lớn là khi học thở bạn chưa biết thể tạng của mình thuộc về loại nào. Khi thở lại hít vào và cố giữ giữ đến 2 phút. Thở như vậy sẽ tác động rất nhiều, rất mạnh vào hệ Giao cảm sẽ gây thêm hưng phấn. Như vậy sẽ càng thêm căng thẳng chứ không có lợi với cách thở này.
– Để tôi kể cho anh nghe một câu chuyện có thật 100%.
– Có một anh bạn trẻ nhắn tin cho tôi qua messenger và nói rằng anh đã bị mất ngủ, thức trắng đêm hơn một tuần khi ứng dụng bài thở Hít 10. Ngưng thở 40. Thở ra 20 trong lúc đi bộ. Anh ta phải cầu cứu đến tôi và nhờ tôi có cách nào chữa giúp. Tôi đã hướng dẫn cho anh ta cách thở, cách thiền, cách ăn uống, khoảng 2 tuần sau đã khỏi bệnh hoàn toàn. Anh còn may mắn lắm đấy.
Ồ! Nghe thầy nói… sợ thiệt!
– Vậy tôi phải làm sao bây giờ, thầy có thể hướng dẫn cho tôi cách thở nào làm cân bằng cảm xúc của tôi được không?
– Dĩ nhiên là có rồi. Lúc trước bạn HÍT VÀO, NGƯNG THỞ, THỞ RA bây giờ bạn phải làm ngược lại là HÍT VÀO, THỞ RA, NGƯNG THỞ. Thời gian ngưng thở dài bao nhiêu là do bạn tự quyết định. Nhớ là không nên lạm dụng hoặc muốn lập thành tích ngưng thở quá lâu, hãy cảm nhận khi cơ thế quá thiếu oxy thì nó “muốn hít” lúc đó ta mới hít vào.
Với cách thở này tác động rất mạnh rất sâu vào hệ đối giao cảm, giúp cho bạn tìm lại sự cân bằng cảm xúc, căng thẳng, nóng nảy mà bạn đang gặp phải.
– Ngoài vấn đề thở thầy còn có bổ xung thêm các bài tập nào không? Hoặc là ăn uống chẳng hạn?
– À! Câu hỏi này hay đây! Bạn có tập Thiền bao giờ chưa?
– Thỉnh thoảng tôi có ngồi thiền.
– Lúc ngồi thiền bạn làm gì? Tập trung vào đề mục nào?
– Lúc ngồi thiền tôi chú ý vào giữa 2 chân mày, chỗ luân xa 6.
– Hay da! Lại thêm một sai lầm nữa. Nếu như ngồi thiền mà cứ tập trung vào luân xa 6 thì sẽ bị căng thẳng, rất dễ sinh ra mất ngủ và hoang tưởng. Bởi vì khi ta tập trung vào một chỗ nào đó thì khí lực sẽ dồn vào nơi đó “Ý DẪN KHÍ”. Vì vậy tôi khuyên bạn hãy nên tập trung vào vùng bụng và theo dõi hơi thở trong lúc ngồi thiền sẽ có hiệu quả hơn.
– Còn về vấn đề ăn uống nữa, tôi có nghe nói đến từ ăn uống hợp lý, ăn uống cân bằng âm dương. Hay da! Càng nghe càng rối. Tôi chẳng biết gì cả?
– Hiện tại năng lực Dương của bạn rất mạnh, vì vậy bạn phải tìm thức ăn Âm để cân bằng trở lại. Thức ăn Âm là các loại Củ, loại này nó sống dưới mặt đất. Về động vật thì bạn nên ăn Cá cho nhiều vào. 2 loại này hấp thu năng lượng Âm rất nhiều. Ăn loại này sẽ giúp bạn cân bằng lại trạng thái tinh thần.
– Hay quá thầy! Vậy đối với những người Âm nhiều thì sao ạ?
– Làm ngược lại, ăn quả nhiều vào và động vật thì ăn loại 4 chân.
Ồ! Hay thiệt! Lần đầu tiên tôi mới biết việc này. Xin phép thầy cho tôi hỏi một chút.
Anh cứ hỏi.
Thầy có dạy Yoga không vậy?
Dĩ nhiên là có rồi, tôi đang dạy đây.
Tôi rất muốn học Yoga, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Tôi có vào các câu lạc bộ, các trung tâm nhờ họ tư vấn dùm mà mỗi nơi nói mỗi khác, làm tôi rất hoang mang không biết nơi nào nói đúng. Sao họ không thống nhất một giáo trình để mọi người tập dễ dàng hơn không? Thầy có kinh nghiệm gì việc này?
Hiện giờ ở bên Ấn độ có rất nhiều trung tâm, nhiều giáo phái, mỗi người mỗi kiểu không ai chịu thua ai. Yoga ở Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Yoga Ấn độ nên các thầy cô dĩ nhiên là phải bị ảnh hưởng ít nhiều. Còn riêng kinh nghiệm của tôi hướng dẫn Yoga, bắt đầu học Yoga thì phải học… thở bụng trước tiên.
Trời! Thở cũng phải học nữa sao?
Phải học chứ, điển hình là từ trước tới nay anh thở đâu có đúng. Con người ta lúc mới sinh ra là đã biết thở bụng, sau khi lớn lên thì phần thở bụng nó không còn nữa, khi hít thở thì phần ngực nó nhấp nhô lên xuống. Phần đông đa số chúng ta thở không đúng cách, chúng ta thường thở nông và cạn, chỉ dùng cơ ngực và cơ vai trong lúc thở, chính vì vậy không khí không thể vào làm đầy hai lá phổi.
Theo cách thở thông thường, khi ta hít vào, thở ra… chúng ta chỉ dùng 1/3 hay một nửa thể tích của phổi, tức là ta chỉ sử dụng phần giữa và phần trên của phổi, còn phần dưới của cuống phổi và đáy phổi thì không hoạt động, vì vậy mà phổi của ta luôn luôn chứa đầy không khí cũ tồn đọng. Với cách thở thụ động như trên, sẽ làm cho tế bào của ta luôn luôn thiếu dưỡng khí, và đương nhiên là tế bào sẽ bị lão hoá nhanh.
Các chức năng tiêu hoá, chức năng loại bỏ các chất thải, các độc tố sẽ bị ngăn trở. Đó cũng là nguyên nhân phát sinh gây ra cảm lạnh và các bệnh thuộc về hô hấp. Với một con người có sức khoẻ bình thường, dung tích của phổi có sức chứa khoảng 5 lít không khí. Khi chúng ta hít vào, thở ra một cách thụ động [tức là thở tự nhiên] thì có khoảng 3 lít không khí được lưu chuyển, như vậy sẽ còn 1 lít rưởi đến 2 lít không khí không được lưu chuyển và nó sẽ nằm tù hãm trong phổi và hoàn toàn không được sử dụng đến.
Khi ta hít thở bụng thì đương nhiên sẽ tác động đến cơ hoành. Cơ hoành giải phẩu có diện tích bề mặt trung bình vào khoảng 250 cm2, khi cơ hoành hạ xuống 1 cm, tức là thể tích khí lưu vào phổi sẽ tăng xấp xỉ 250ml, khoảng một nửa thể tích khí lưu thông. Khi cơ hoành hạ xuống đến 7 – 8 cm, thể tích khí vào phổi lúc này có thể lên đến 2000ml. Như vậy, khi cơ hoành bị tổn thương sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lưu lượng khí ra vào phổi, gây ra suy hô hấp.
Theo báo cáo của ngành Y khoa, lao phổi là do giảm sinh khí, do dưỡng khí không được cung cấp đầy đủ, vì vậy quá trình trao đổi khí cần phải có một thời gian nhất định. Các nhà sinh lý học cho rằng một hơi thở tốt nên kéo dài khoảng 20 giây cho một lần hít vào, thở ra. Nếu ta thở nhanh quá hoặc cạn quá thì thời gian trao đổi khí quá ngắn, không tận dụng được lượng dưỡng khí ở trong máu đưa vào tế bào, cũng như không thải được thán khí ra khỏi cơ thể.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu trong giới sinh vật rằng “LOÀI SINH VẬT NÀO CÓ CHU KỲ HÔ HẤP DÀI, ĐỀU LÀ NHỮNG LOÀI CÓ ĐỜI SỐNG RẤT LÂU”. Chẳng hạn như con chó trung bình mỗi ngày thở 50.400 lần, và nó có đời sống khoảng 12 năm. Con ngựa một ngày thở 29.000 lần, và có đời sống khoảng 25 năm. Con rùa một ngày thở 8.200 lần, và có đời sống trên một thế kỷ hoặc hơn nữa.
Cơ chế thở bụng trong tất cả các họat động nội tạng, chỉ có thở là vừa tự phát vừa có thể tùy ý. Động tác thở bụng được thực hiện chủ yếu bởi cơ hoành, một cơ chắn ngang giữa ngực và bụng. Mặt trên tiếp giáp tim và phổi, mặt dưới với gan và khoang bụng. Khi chúng ta hô hấp, cơ này cử động lên xuống, đồng thời dồn ép hoặc kéo giãn các cơ quan nội tạng.
Theo cách thông thường, người ta thường hay thở cạn, nhanh và không có sử dụng cơ này. Chỉ có cách thở bụng mới tận dụng được nó, theo cách thở này khi ta hít vào thật chậm, sâu thì không khí đi vào phần dưới đáy phổi, cơ hoành đẩy xuống làm cho thận, gan, dạ dày bị ép liên tục. Khi thở ra nó lại co lên kéo giãn các tạng phủ. Như vậy toàn bộ các cơ quan nội tạng bên trong được mátxa liên tục.
Nói theo lời của B/S Đỗ hồng Ngọc thì sự “hô hấp sâu sẽ tác động trên từng tế bào của cơ thể chứ không phải chỉ là ở hai lá phổi”. Phổi thực chất là một cái bơm, bơm không khí vào ra “phình xẹp” vậy thôi. Để cho cái máy bơm đó làm việc tốt, ta cần phải biết một chút về cơ chế của nó.
Lồng ngực là cái xy-lanh [cylindre], còn pít-tông [piston] chính là cơ hoành, một cơ trơn nằm vắt ngang giữa bụng và ngực. Khi cơ hoành thụt lên thụt xuống [như cái bể lò rèn] thì không khí được hút vào đẩy ra ở phổi. Khi cơ hoành hoạt động càng mạnh thì trái tim càng khỏe, có người ví von rằng cơ hoành là “TRÁI TIM THỨ HAI”, là một thành phần tưởng không giữ vai trò nào nổi bật trong cơ thể, ấy vậy mà lại có thể trở thành đòn bẩy cho trái tim khỏe mạnh.
Và nói theo lời của các đạo sư Yoga ” KHÔNG PHẢI SỰ HÔ HẤP SINH RA VẬN ĐỘNG CỦA PHỔI, MÀ NGƯỢC LẠI CHÍNH SỰ VẬN ĐỘNG CỦA PHỔI VÀ CƠ HOÀNH MỚI TẠO RA SỰ HÔ HẤP”. Điều này ta có thể chứng minh bằng cách là “dùng hai ngón tay bóp vào hai lỗ mũi một người đang ngủ” ta sẽ thấy phần ngực và cơ hoành chuyển động rất mạnh.
Bác sĩ Dean Ornish, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Program for Reversing Heart Disease” (Chương trình phục hồi bệnh tim) hướng dẫn cách thở bụng rất đơn giản, dễ làm. Hãy đặt một bàn tay lên bụng, khi thở vào thở ra, ta thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống là được.
Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy Thiền, Yoga, Khí công… để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy phương pháp thở bụng. Các phương pháp trị liệu nổi tiếng của các bác sĩ như Dean Ornish, Deepak Chopra v.v… căn bản cũng không ngoài cách… thở bụng. Phương pháp thở bụng không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… mà còn làm cho tâm được an lạc, giảm stress trong cuộc sống hiện tại.
Thầy Như Văn Mai