THẦN THÔNG TRONG PHẬT GIÁO.

1Phật giáo cho rằng các tà giáo, các thần, tiên, ma quỷ, kẻ phàm phu ngoại đạo như Bà la môn giáo hay các giáo phái khác đều có thể luyện tập được ngũ thông: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông và thần cảnh thông. Duy chỉ có

Phật và A la Hán thì có tới lục thông!.

Định nghĩa Thần thông
1. Thiên nhãn thông là ngồi một chỗ có thể tùy ý thấy được cả vũ trụ, sức nhìn không hạn chế, xuyên thấu không gian và thời gian, thấy được những sinh vật ở những thế giới khác.

2. Thiên nhĩ thông là ngồi một chỗ mà tùy ý nghe và hiểu được tất cả cái loại ngôn ngữ và mọi âm thanh của tất cả giống loài trên thế gian.

3. Tha tâm thông là tùy ý, luôn luôn biết được tư tưởng, suy nghĩ của mọi người và mọi loài.

4. Thần Tức thông là tùy ý nhìn thấy được trăm ngàn quá khứ kiếp của mình và của tất cả chúng sanh trong vũ trụ.

5. Thần cảnh thông là khả năng tuỳ ý di chuyển trong không gian không hạn chế, tàng hình, phân thân, biến hóa thân to nhỏ.

6. Lậu tận thông được cho là chỉ có Phật và A la hán mới có: là làm chủ được bản thân, không còn bất cứ vọng tưởng, xóa hết nghiệp chướng, ra khỏi sanh tử luân hồi đạt Niết Bàn, cũng là mục đích cuối cùng của người xuất gia theo đạo Phật.

Từ cổ chí kim, trên thế gian này, có ai có được một thần thông nào như trên hay không? Chắc chắn là không có. Một thông cũng không có nói gì tới 5, 6 cái thông! Nội dung của bài viết khi bàn về thần thông như là chuyện có thật thì đã là sai từ căn bản, bởi vì hai chữ thần thông theo đúng nghĩa của nó chỉ có trong chuyện thần tiên hay Tây du ký mà thôi.

Nghĩ mà xem, chỉ cần được một cái Thần cảnh thông của Tề thiên thôi (tàng hình, biến hiện lớn nhỏ, đủ thứ hình tướng, phân thân thành trăm ngàn, nương mây bay ngàn dặm trong tích tắc tới nơi…) là đủ lớn lao dữ dội trùm hết thiên hạ rồi. Như đã không ai có đủ tiêu chuẩn để có một thần thông nào thì tác giả đó lấy đâu ra mà phân 4 loại thần thông? Nói thì nghe hay nhưng xét cho kỹ thì chỉ là khoác lác về những chuyện không tưởng để khoe tài.

Sự thật là người tu Mật tông, dù có tu cao đến đâu cũng không đắc được một thần thông nào hết! Còn Lậu tận thông cũng là cái không thể kiểm chứng được mà người Phật giáo nào cũng hay nhắc tới để tranh với ngũ thông của những giáo phái khác. Nếu như chuyện thần thông đã là chuyện không có thì chuyện đắc lục thông đạt Niết Bàn cũng chỉ là nói để nghe chơi mà thôi.

Trước đây chính phủ Mỹ cũng đã có chương trình muốn tận dụng những người có công năng đặc dị (nghe, thấy từ xa, đọc được tư tưởng, đi xuyên qua tường v.v.) nhưng rốt cuộc chỉ có được những thành công lẻ tẻ nên đã hủy bỏ chương trình. Nói đến thần thông là phải có khả năng xuất chúng theo định nghĩa là tùy ý của mình, có thể làm được cả ngàn lần, thể hiện một cách phổ quát chứ không phải chỉ biểu diển được vài lần. So với thần thông, những công năng đặc dị chỉ là một phần triệu của một thần thông thật sự.

Nhiều người có công năng đặc dị nhưng tự xưng là có thần thông vì không hiểu định nghĩa của thần thông là gì, nói là những phép lạ thì đúng hơn, do thần lực gia trì mà con người có những khả năng chửa bịnh trị tà, xuất hồn, thấy linh ảnh, tiên tri … , tuyệt đối không do khả năng nơi con người. Một khi đã hiểu tất cả đều là do năng lực gia trì của Bồ Tát, Thánh Thần thì sẽ không còn phân biệt cao thấp, hay hãnh diện tự hào và cũng không còn chấp pháp lo người khác lạc vào đường tà.

Tác giả nói đến người tu dùng pháp câu triệu hàng phục quỷ thần, là chuyện không có trong thực tế, đó là những pháp tu ảo tưởng. Muốn hàng phục quỷ thần không phải chỉ tụng niệm, phát bồ đề tâm mà chánh yếu là người tu phải hiểu đúng và làm đúng Thiên ý.

Tự bản thân một người phàm phu không có quyền năng sai khiến quỷ thần làm theo ý muốn riêng tư, sai trái của mình. Họ chỉ có thể cầu xin với thánh thần chuyện gì họ muốn và Thánh thần sẽ xét, nếu chuyện họ xin là đúng lý đạo thì Thánh thần sẽ cho họ toại nguyện. Cũng như trong quân đội, ở cấp bậc nào đi nữa cũng không thể tự ý điều động binh lính để biểu diễn làm oai, hay sai một tiểu đoàn đi làm chuyện bậy, trừ khi là chấp hành lệnh của chánh phủ mới có thể điều động một lực lượng quân sự tương đối lớn.

Giá trị của người tu không phải là ở thần thông, mà là công đức làm đạo, được sức gia trì để làm một vài phép lạ trợ đạo.
Thái Hòa – VTHB

Comments are closed.