Ấn Độ là một cổ quốc của nền văn hóa thế giới, dân tộc nơi đây mang rất nhiều tư tưởng thần bí, đặc biệt là ý nghĩa tôn giáo trong tư tưởng thần bí này. Nếu mở trang sử tôn giáo Ấn Độ ra xem, chúng ta sẽ thấy hệ thống tôn giáo của nhân loại hầu như chi chít trong đó. Hoặc thành kính sùng bái thiên nhiên, hoặc mang tư tưởng triết học sâu sắc, hoặc khổ hạnh nghiêm khắc để tìm cầu Giải thoát, hoặc ham thích khoái lạc ở cõi trời… tất cả đều thuộc tư tưởng mang tính tôn giáo. Trầm tư mặc tưởng là đặc tính của dân tộc Nhã-lợi-an, người ta lúc nào cũng ưa thích thâm tư tĩnh lự để tìm cầu niềm vui tối thượng.
Trước khi dân tộc Nhã-lợi-an đến Ấn Độ, dân tộc tại vùng Trung ương Á-tế-á (Kucīna) có cuộc sống “Lạc thiên tri mệnh”[1]. Sau khi dần dần tiến xuống phương Nam, vào lưu vực sông Ấn Độ, người Nhã-lợi-an xây dựng thành một xã hội mang đặc tính của dân tộc Nhã-lợi-an tại Ấn Độ. Đồng thời, vì thiên nhiên khí hậu ôn hòa, môi trường xung quanh u nhã, thích hợp với tính vắng lặng trong việc trầm tư mặc tưởng nên đã hình thành thiên tính thứ hai của dân tộc Nhã-lợi-an. Trong quá trình phát triển, dân tộc này đã tiềm tàng một suối nguồn vô tận bởi tư tưởng Thiền. Đức Thích Tôn là một phần tử của dân tộc Nhã-lợi-an, đương nhiên Ngài cũng bẩm thụ được tính chất đặc biệt của dân tộc này.
Nói một cách nghiêm túc thì Ấn Độ là đất nước không có Thiền tông, vì Ấn Độ vốn không có một tông phái Thiền mang tính độc lập nên không thể thiết lập được một danh từ nào trong lịch sử Thiền tông tại Ấn Độ, mà chỉ có thể nói về nguồn gốc của Thiền (Dhyāna) một cách chung chung trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ.
Ấn Độ đã lấy từ Dhyāna (Thiền-na) làm căn nguyên tư tưởng này để phát triển. Nếu bỏ tên gọi này thì sẽ không thể nghiên cứu được sự uyên nguyên của nó. Giả sử lấy Thiền để khu biệt “Thời giáo” trong cuộc đời của đức Thích Tôn thì Kinh bộ tức là Thiền học, Luật bộ là Giới học, Luận bộ là Tuệ học, giáo lý đức Phật đã thuyết không ngoài Kinh, Luật và Luận.
Song, Luật bộ chẳng qua chỉ là một loại luật pháp được thiết lập để thống chế giáo đoàn. Giáo pháp trong suốt cuộc đời đức Phật nói ra, xét về Luật học thì lại cực kỳ vi tế. Có thể nói, tất cả giáo pháp của Ngài đều thể hiện được nội dung Thiền rất rõ.
Thiền là tổng phủ của Phật pháp, Thiền của đức Phật nhờ an tọa tư duy mà Ngài hoát nhiên đại ngộ. Ngài đưa ra thông điệp tất cả chúng sinh đều có đức tướng trí tuệ Như Lai. Nói về căn nguyên của Phật giáo thì đức Phật chứng được Tam-muội (samādhi) cũng nhờ vào Thiền-na.
Không chỉ có đức Phật mới thực hành Thiền định mà Cơ Đốc (Christ – Chúa cứu thế) cũng trầm tư mặc tưởng qua 40 ngày ở vườn cỏ rộng lớn bên bờ sông Ước-đán[2], nhịn ăn để tẩy sạch thân thể, tiếp nhận sự khải thị của Thần, chứng đắc đại tự giác, sáng lập ra Cơ Đốc giáo. Theo ý nghĩa trầm tư mặc tưởng trong Cơ Đốc giáo thì đã bao hàm đầy đủ ý vị và sắc thái của Thiền-na.
[1]. Nguyên tác Lạc thiên tri mệnh 樂天知命: thuận với mệnh Trời mà tự vui.
[2]. Ước-đán 約旦: Jordanie, một con sông ở Tây Á, giáp giới với Israel, Syri, Irac.
Ban Phiên Dịch Pháp Tạng PGVN