Khi chúng ta có thể khiến trẻ tôn trọng, có thể khiến bọn trẻ yêu quý và tín nhiệm chúng ta, ngay đó động lực học tập của trẻ nhỏ sẽ trỗi dậy mãnh liệt. Chúng ta phải kéo cái tâm học tập, tâm thiện của bọn trẻ từ căn bản thì mới tiết kiệm sức. Bây giờ chúng ta không từ tâm hiếu, từ tâm cung kính, tâm cảm ân của chúng mà nắm, lại nắm điểm số thì chỉ làm chúng mệt, cha mẹ thầy cô cũng mệt, thậm chí còn phải theo dõi cái thành tích này cho đến khi chúng lên đại học, vậy thì phiền rồi. Việc học của nó đều phải có người theo dõi, nếu không có ai theo dõi nữa thì sẽ như thế nào?
Chúng ta cảm thấy một việc là sinh viên bây giờ giống như là con ngựa hoang bị đứt dây cương, có quản cũng không quản nổi. Vậy xin hỏi, chúng ta để mắt tới chúng trong suốt mười mấy năm trời thì có ý nghĩa bao nhiêu chứ? Vì vậy chúng ta phải nhìn cho xa. Chúng ta bình tĩnh suy nghĩ xem, cái thời của cha tôi sinh ra năm – sáu đứa con là bình thường, bảy – tám đứa thì cũng là thường thấy, sinh mười hai đứa cũng là bản lĩnh. Thế nhưng các vị xem, con cái đông như vậy, cha mẹ mỗi ngày làm vất vả, thời gian chăm sóc cho con cái có hạn nhưng vẫn lo chu toàn. Bây giờ sinh một đứa hay hai đứa con thì mệt gần chết, cái khoản tiêu tốn tinh thần và tiền bạc cho chúng lớn hơn rất nhiều so với thời trước, mà hiệu quả thì sao? Hiệu quả thì mãi mãi không bằng được thời trước.
Người thời trước họ có cái tâm hiếu, học bài không cần ai nhắc. Tôi nhớ chú ba của tôi là người tốt nghiệp tiến sĩ, chú kể với chúng tôi về chuyện hồi còn nhỏ, các anh chị em đang ngồi học bài, ông nội nói “đi ngủ thôi, trễ lắm rồi, đừng có học nữa”. Nghe theo lời cha, leo lên giường nằm xuống, đợi ông nội của tôi đi ngủ thì anh chị em lại leo xuống tiếp tục học bài, trong lòng nghĩ rằng cha mẹ vất vả quá, mình phải thành tựu để sau này mà hiếu dưỡng cho cha mẹ. Vì vậy cái động lực thúc đẩy họ học tập là tâm hiếu. Chúng ta bây giờ thì phải xem cho rõ bọn trẻ học hành, cái động lực thúc đẩy của các em đa phần là gì vậy? Là Tiền. Thi môn gì đó mà được điểm 10 thì cho con một trăm ngàn. Được! Nhưng mà qua một hai năm, chúng sẽ kêu ca là tiền ít quá, đòi tăng thêm, thế là các vị ở đó bàn điều kiện với chúng. Muốn chúng làm bất cứ việc gì đều phải dụ dỗ chứ không nói đạo nghĩa, mà người bị dụ dỗ phải cần có dục vọng dẫn dụ chúng, lâu ngày chúng sẽ mất hết tính người. Các bạn phải cẩn thận, xem ra thì chúng rất có động lực, nhưng đó là lợi, là dục. Cho nên nhìn việc phải nhìn vào trong tâm địa, chúng ta mới có thể chân thật dẫn dắt con trẻ đi được phương hướng chính xác.
Sưu Tầm