ẢO GIÁC

Ảo giác — Bài viết của anh Thien Tran

1Bài viết hay quá nên HL copy lại đây để chia sẻ với bạn bè (do anh Thien Tran chỉ share cho friends của anh đọc). Theo HL, kể cả ai ko biết hay ko quan tâm tới các chất “thức thần” là gì thì đọc cũng rất bổ ích.

 

Ảo giác (1)

23 September 2015 at 14:46 

Trước khi viết topic này, tôi đã dạo 1 vòng đọc các bài viết của cả 2 bên. Một phía thì chia sẽ kinh nghiệm và ủng hộ chất “thức thần” (DMT) (thức thần – TT), bao gồm những bạn trong nhóm Triết Học Đường Phố (THĐP) và những người ăn theo nhóm này. Phía bên kia là các bài viết phân tích nguyên lý hoạt động của các chất TT và trạng thái ảo giác cũng như tác hại về mặt cơ thể tâm lý. Một trong những nguyên nhân chính (và cũng là thứ mà nhiều ng nhắm tới) đó là cảm giác “thức thần” quá dễ dàng đạt được chỉ bởi việc hít hay uống vào 1 viên thuốc hoặc vài lát nấm. Phần đông các bạn bên THĐP là những người giỏi, có học thức rộng, có quá trình tìm hiểu về các phương pháp phát triển Tâm Linh – nhưng chưa tìm ra đáp án. Việc “đạt được” một cảm giác “đặc biệt” về các giác quan, đưa các cảm nhận thế giới quan sang một chiều kích khác, khiến họ nghĩ rằng đấy là Ngộ, là gì đó “đắc” được. Và cũng vì họ là những người có căn cơ vững vàng, nên tiếng nói rất mạnh mẽ, hùng hồn chứng minh,…và không ít người khác đã nghe theo. Tôi viết bài này không phải để lên án các chất nguy hiểm ấy, cũng không đánh giá thấp trạng thái mà các bạn ấy đang nhắm tới. Về mặt khách quan thì tôi chưa từng thử hay nghĩ tới chuyện thử qua các chất ấy, nên không có thẩm quyền để nhận xét. Tôi chỉ viết về một thứ chung mà tôi và nhiều người cùng đồng ý, đó là Ảo Giác trong Thiền Định và đời sống hàng ngày. Sau đó nói về tác hại của Ngộ Nhận và Ảo Giác, kể cả trong Thiền Định và những gì tôi biết về DMT (qua các mô tả kinh nghiệm lượm lặt của ng khác). Tôi chưa phải Thiền Sư hay có bất cứ chứng chỉ nào trong Phật Giáo, nhưng đã từng cháy hết mình trong thực hành Thiền Định và từng có nhửng kết quả khả quan, đủ kinh nghiệm và kiến thức để nói về Ảo Giác. Ai cảm thấy nghi ngờ về những kiến thức và kinh nghiệm ấy, có thể trực tiếp thảo luận hoặc mời một vị Thầy đủ uy tín để đánh giá. Nếu những gì tôi mô tả về Ảo Giác có thể khiến mọi người (dân chơi thuốc và người thường bị bệnh ảo giác) thấy một điểm nào chung, thì đó là thành công của bài viết mà tôi nhắm tới.

 

  1. Ảo giác là gì?

Ảo Giác (AG) là 1 trong 5 chướng ngại chính và căn bản (Thân, Vọng Tưởng, Ảo Giác, Thần Thông, Vô Minh) trên bước đường Thiền Định để giác ngộ Vô Ngã. Nhiều người tọa thiền chỉ biết đau chân, khó chịu và vọng tưởng,..thì chưa kinh nghiệm qua tới AG thực sự – họ có thể thực hành cả đời mà chẳng thấy gì lạ nếu vẫn chưa vượt qua 2 chướng ngại đầu. Nếu Thân được thả lỏng – bớt cử động, Vọng Tưởng (trong đầu) bắt đầu yên dần thì mới xuất hiện các ảo giác. AG mạnh dần tỉ lệ nghịch với vọng tưởng, thực chất nó cũng là tưởng nhưng cảm giác trên các căn y chang như thật.  Các loại AG có thể rất nhẹ nhàng thoáng qua cho tới cực kỳ mạnh mẽ như thật, có thể xuất hiện ngay khi vừa tập tành “thử” các môn tâm linh. Ai muốn biết AG thế nào thì cứ tìm tới các vị chuyên gia áp vong hoặc chủ trương môn tâm linh vô thức, sẽ nhanh chóng có kinh nghiệm mà không cần phải thử qua các chất gây ảo giác.

 

AG hiển hiện trên cả 5 giác quan: mạnh nhất là mắt và tai, mùi hương và vị giác cũng xuất hiện khá thật, xúc giác có phần khó cảm nhận hơn trên thân vật lý nhưng lại có cảm giác một cái “thân mới” to và vi tế hơn. Có kiểu AG khá thích thú mà cũng có những loại AG khá khó chịu, có kiểu AG xuất hiện ngay cả khi không thiền định hoặc trong lúc ngủ (mơ rất thật). Dạo mới tập tành thiền, tôi cũng thường “chịu đựng” một cái cảm giác rất đặc biệt, có khi trong lúc đang lái xe vẫn khởi lên: cảm giác cơ thể mình rất to và khỏe, từng dòng lực rất mạnh mẻ chãy trong kinh mạch, cảm giác như mình có thể bẻ nát cái tay cầm xe chỉ bằng một cái búng tay. Có khi nhắm mắt thấy thân mình rất to chứa đầy năng lượng, tòa nhà cao tầng cũng chỉ bằng ngón chân,…cảm giác ấy khá dễ chịu, nó khiến cho tôi phải cử động nhẹ nhàng và thấy rõ từng hoạt động cũng như suy nghĩ trên thân tâm, nhưng vẫn là ảo giác vì khi thoát ra vượt qua khỏi, ng ta có những khả năng khác hay hơn nhiều.

 

Ai có từng nghe các “thiền xư” lâu năm kể về các kinh nghiệm “tờ-rứng ngộ” thì chỉ có thể miệng chữ O mắt chữ @ mà thôi. Nhiều người kinh nghiệm được cả cõi Phật, thấy Phật thuyết pháp và “sống thật” đủ 5 giác quan trong cõi ấy. Có người kể về cõi Trời, về các mùi hương và âm thanh rất đặc biệt, họ khẳng định nếu có kỹ năng hội họa hay âm nhạc thì có thể tái dựng lại hình ảnh và bài ca ấy. Có người kinh nghiệm cả chuyện “yêu đương” với các Thiên Tử, có cả những “tình nhân” cao cấp và tận hưởng được tình yêu rung động thật sự đẹp, với những người ấy thì giác ngộ thực chất chỉ là một tình yêu sâu sắc. AG xấu cũng có rất nhiều, và ng kể có phần thật thà hơn: thấy ma quỷ và cảnh địa ngục, thấy những điều kinh dị xuất hiện trong thiền, vd như thân đầy dòi bọ đục khoét, những hình mặt người ác vây quanh, cảm giác đau đớn và âm thanh ù tai,… Có người thấy thân thể mình méo mó, cảm giác đảo lộn. Phần đông có các AG trung hòa, tốt và xấu lẫn lộn, và họ đều thật lòng mô tả lại, mỗi ng một vẻ tùy vào những tiếp xúc của họ với cuộc sống hàng ngày. Ảo giác sẽ càng “thật” và rõ ràng hơn khi vọng tưởng càng yếu, nghĩa là người đó chú tâm một cách vô thức vào các hiển hiện trên giác quan nhưng chưa có quyền hành nào trong thế giới ảo ấy.

 

Ảo giác có thể xuất hiện trong lúc công phu thiền định, do gồng nén hoặc do buông xả đều có. Ảo giác có thể xuất hiện cả trong đời sống hàng ngày bằng nhiều hình thức và nguyên nhân khác nhau. Mệt mỏi và buồn ngủ cũng gây ảo giác, sợ hãi hoặc có nội tiết tố mạnh cũng gây ra ảo giác về tinh thần. AG có thể đơn giãn chỉ là thoáng thấy một hình ảnh nhấp nháy qua mắt, hoặc thoáng buồn giận mà ko rõ nguyên nhân, cho tới kiểu AG cảm thấy thế giới quan thay đổi hoàn toàn. AG chỉ có thể còn nhận biết khi cái Biết vẫn còn nghi ngờ khi đối chiếu với kinh nghiệm hay các thực tế khách quan khác. AG sẽ được chấp nhận thành Thực Giác khi cái Biết bị kiểm soát và tê liệt hoàn toàn không còn thắc mắc gì nữa. Trong lúc ngủ mơ thì ta không bao giờ biết mình đang mơ, có những loại ảo giác rất mạnh đến như thế.

 

Có những loại AG chỉ xuất hiện tạm thời khi Tâm bị mê mờ, lúc buồn ngủ hay mất tỉnh giác. Có những loại chỉ xuất hiện khi tập trung cao độ hay bị buộc ép vào một nghi thức nào đấy. Những loại này có thể tự chủ thoát ra được. Có loại AG sinh ra do hóa chất kích thích, khi đã dính vào thì phải chờ thuốc tan hết mới lấy lại cảm giác thông thường. Có loại bệnh do tâm thần suy nhược, các loại trầm cảm hay tự kỷ, điên khùng giận dữ hay buồn bực vô cớ thường xuyên,…chúng cũng là ảo giác và cần phải can thiệp bằng các liệu pháp đặc trị mới thoát ra được. Các hiện tượng “chập cheng” hay “đá ống bơ” sinh ra do tập luyện các môn tâm linh nguy hiểm, hoặc bị kiểm soát tâm trí bằng thôi miên, áp vong,…cũng thuộc loại AG.

 

AG có thể gây ra thích thú cao độ, hưởng thụ cảm xúc cực độ, nhưng cũng có khi gây ra khủng hoảng và đau đớn kinh khủng. Có loại AG không để lại di chứng, có loại để lại tác hại trên thân thể (lừ đừ mệt mỏi, hết năng lượng,…) có loại còn để lại hậu quả lên nhân cách và tâm thức. Đừng vội nhận xét các loại AG do hóa chất là xấu hay nguy hiểm, chính những Thiền Sinh bị ảo giác và thích hưởng thụ các cảm giác ấy lâu ngày cũng bị lui sụt hoặc hóa điên vì đã đốt hết Phước tích lũy. AG nào càng mang tính thụ hưởng mạnh thì càng nguy hiểm nhiều chừng nấy, thứ nhất là gây nghiện (hưởng thụ nào cũng sinh ra tham muốn) và gây ra cái Chấp vào điều ấy là Ngộ, sau đó xúi người khác đi theo – đấy là điều nguy hiểm nhất.

 

(còn tiếp)

 

 

Ảo giác (2)

23 September 2015 at 14:51 

2. Nguyên nhân ảo giác

Nguyên nhân và nguyên lý hình thành ảo giác thì có thể lý giải theo Khoa Học, là do các tín hiệu thần kinh bị lệch lạc. Ta chia ra 3 phần: cơ quan cảm nhận (mắt, mũi, tai,..), đường truyền và bộ phận xử lý tín hiệu. Não bộ hay cái biết của ta chỉ đánh giá cảm giác thông qua bộ phận xử lý tín hiệu, chứ không hề biết gì về cơ quan cảm nhận – trừ khi nó dùng một giác quan khác để kiểm tra cho khách quan. Vd có 1 người ngồi ở phòng trung tâm kín mít, người này chỉ biết thông tin về thế giới bên ngoài thông qua 1 người khác, anh ta phải đi xuyên qua 1 hành lang đến 1 căn phòng có 5 cái cửa sổ nhìn về 5 hướng khác nhau. Người đưa tin này cứ đi đi về về liên tục, nhưng nếu dọc đường có quên gì, có lẩn lộn gì, có phán xét hay chắt lọc gì,…thì cái ng ngồi trong phòng trung tâm kia cũng không có ai khác để mà đối chiếu. Chỉ có thể so sánh và phân tích những gì anh “giao liên” mang về mà thôi, nếu người này mà lẩn thẩn làm mất thông tin hoặc bị say xỉn thì xem như cả nhà rối tung. Vd nếu ta thấy có hình ảnh và âm thanh, ta đoán là có đối tượng thật, ta dùng tay với tới kiểm tra bằng xúc giác, nếu tay ta không chạm dc gì thì não bộ mới nghi ngờ rằng mắt và tai nhận sai thông tin – luc này thì ta mới “dán nhãn” cho các cảm nhận ấy là Ảo Giác, vì có sự nghi ngờ trong đối chiếu. Nhưng nếu các cơ quan cảm nhận đều bị 1 cơ quan chủ quản lý, đều báo lên não về 1 thông tin “không có thực – khách quan” thì não bộ sẽ hoàn toàn bị chi phối, sẽ xem đấy là thực thể tồn tại hiển nhiên. Đó cũng là lý do khi các hành giả vượt qua khỏi chướng ngại Ảo Giác, họ sẽ có một nhận thức rằng Thế Giới này là ảo, dù cho các sự vật hiện tượng có vẻ như tồn tại rất hiển nhiên. Trong phạm vi bài này, chúng ta tạm chấp nhận các biểu hiện của TG khách quan là thật, để đối chiếu với các Ảo Giác chủ quan sinh ra trong mỗi cá nhân. Khi ai đó rơi vào AG, họ nhận ra ngay đấy là AG, nhưng vì cái AG ấy quá đẹp quá lạ lẫm gây tò mò, hoặc vì không thoát ra được, nên mới cứ phải sống trong ấy.

 

Khi nói tới Ảo Giác, chúng ta sẽ nghe một số ý kiến cực đoan lên án khá gắt gao, nhưng ít ai biết rằng con người đã làm quen với AG đến nổi chúng đầy trong cuộc sống mà chả ai hay biết. Hằng ngày chúng ta vẫn tạo rất nhiều ảo giác lên mức độ thứ 1: các giác quan. Ta ăn uống các loại đường hóa học, đánh lừa vị giác; ta xem phim 3D, ta nghe nhạc âm thanh nổi,  ta hít mùi hoa thơm từ nước xịt phòng,…tất cả đều không có thật. Xem một bức tranh cũng là tạo ra ảo giác (các ag về phối cảnh, màu sắc nóng lạnh,…). Những đồ nội thất giả da hay áo giả lông cũng đánh lừa xúc giác của ta dễ dàng. Ở mức độ 2, chúng ta vẫn sử dụng các hóa chất gây ảo giác “hợp pháp” dưới dạng…thuốc: các loại giảm đau (Paracetamol, Panadeine Fort,..) cho tới các loại Morphin mạnh. Chúng đều làm cắt đường truyền dẫn cảm giác (đau hoặc thích thú) tới não thông qua tiến trình phản ứng hóa học ở đầu neuron thần kinh. Các hóa chất này cũng phần nào tác động lên não, nên thường bị khuyến cáo là ko nên sữ dụng khi phải lái xe hoặc làm việc cần tập trung cao độ. Các chất có cafeine, nicotine, alcohol,…cũng tạo nên ảo giác nhưng đã đánh tới mức độ 3: thẳng vào cơ quan xử lý tín hiệu, gây ra cảm giác “say” – tức là cơ quan thần kinh này đã bị đánh chiếm, dẫn tới cái Biết bị mất phương hướng. Các chất gây ảo giác khác được gọi là ma túy (túy là thuốc, ma là gì thì ai cũng biết) chúng cũng đánh thẳng vào cùng lúc đường truyền và hệ xử lý thông tin, có thuốc đánh luôn vào thẳng thần kinh trung ương gây ức chế và sinh ra các hành vi mất tự chủ (như là ma nhập). Chuyện say rựu đánh vợ con thì ai cũng thấy rồi, nhưng với liều nhẹ thì cũng chỉ làm ta có chút hưng phấn (rựu vào lời ra), vì thế chả ai bảo rằng nó có hại.  Chúng ta lên án các nạn nhân của ma túy, nhưng nhan nhãn quanh ta cũng đầy các con nghiện khác cũng rất đáng thương (nghiện thức ăn, game, nghiện thuốc lá, café,…), họ đều phải sống trong ảo giác dài hạn mà ít ai quan tâm để phòng tránh dùm.

 

3. Ảo giác do thiền định

Thế vì sao lại có Ảo Giác khi thực hành thiền định? Đấy là một câu hỏi mà ít nhà khoa học nghiêm túc nào trả lời được, cũng như các vị Thiền Sư cũng chỉ có thể lý giải qua loa không thuyết phục. Nhiều vị Thầy dùng các kiến thức về Duy Thức hoặc dùng các lý thuyết của riêng Phật Giáo để giải thích, nếu không có cùng nền tảng thì cũng khó chứng minh. Thiền định thì chả sinh ra chất gì để ức chế các đường truyền thần kinh, cũng không tác động lên các đầu mút của giác quan. Đã không có tín hiệu thì bộ xử lý cũng không thể bóp méo hay phóng đại gì được (trừ một số loại AG xuất hiện sau khi thiền định). Ở đây chúng ta cần phân biệt 2 thứ mà PG gọi là “nội thọ” và “ngoại thọ”, tức là cảm giác từ bên trong, mang tính hồi tưởng lại hoặc tự gợi lên – và cảm giác đến từ bên ngoài. Nội thọ còn bao gồm cả những cảm xúc như yêu ghét, thích thú hay khó chịu,…vốn là gốc của các cảm giác “tự gợi lên”. Khi ngồi thiền mà thân đã bắt đầu yên, các suy nghĩ lung tung bắt đầu giảm, thì sự chú ý tập trung vào cảm xúc và cảm giác. Vì không có các xúc chạm bên ngoài, mà sự chú ý lại đang ở vùng này, nên tâm thức mới dựa theo các cảm xúc yêu ghét mà gợi lên các cảm giác, mà sau đó não bộ lại nhận vào và tưởng được truyền đến từ các giác quan. Vd mắt thích nhìn màu sắc tươi sáng, thế là các ảo giác về ánh sáng màu sắc lung linh sẽ xuất hiện. Sâu xa hơn, tôi thích được khen tặng, thế là trong vô thức khởi lên một sự kiện nào đấy mà tôi cảm thấy thỏa dạ – vd như được gặp Phật,..Nói đơn giãn là thế nhưng cũng rất tùy duyên, có người mặc cảm tội ác hay nghiệp nặng lại bị vây bủa bởi các cảm xúc nặng nề, cảm giác kinh dị. Các cảm giác ấy nó không có thật, và cũng không truyền từ đâu tới, nó được sinh ra theo một tiến trình tâm lý phức tạp mà sự yêu ghét và thỏa mãn đóng vai trò đạo diễn.

Chính vì các giác quan càng yên lặng nên ảo giác càng mang tính “thực” vì không bị nhiễu loạn bởi thông tin chồng chéo. Nhưng nếu có sự chồng chéo thì ta sẽ cảm nhận nhiều thứ rất “vui”, mang đậm chất Ảo Giác. Vd về cảm xúc, biết vẫn đang ngồi công phu, vẫn có cảm xúc vị trí nhưng lại được pha thêm cảm giác bồng bềnh nhẹ nhàng. Mắt mở ra vẫn thấy phía trước, nhưng khi có ảo giác sẽ thấy các hình ảnh biến dạng và pha trộn với các hiển hiện bên trong. Giai đoạn này ng tu tập rất dễ thấy “ma” nếu lưu luyến các hình ảnh của người đã khuất, hoặc đơn giãn thấy “ma” mà không biết đấy là ai – ma hiện ra chớp nhoáng khi mắt không chú tâm nhìn kỹ, rồi biến mất. Cộng với ảo giác về âm thanh và suy nghĩ, ta có thể nghe được cả con ma đang nói gì. Các ảo giác về thân, nếu pha trộn với thực tại sẽ cho ra cảm giác thân to hay nhỏ, nặng hay nhẹ, méo mó hoặc xoay tròn,…Ảo giác về mùi và vị cũng khá thú vị, nhiều người kinh nghiệm cả những mùi hương thoang thoảng trong phòng hoặc cảm giác lưỡi của mình đang nếm được thứ gì vô hình nhưng rất…thích thú.

 

Nhưng cái ảo giác đáng sợ nhất là khi giác quan thứ 6 (Pháp) là nơi các cảm xúc được nhận biết, là vị trí đầu mối của các các giác trong ngoài,..bị chi phối và bóp méo. Lúc này thì sự nhận thức của ta về thực tại, không gian và thời gian bị bóp méo vì cái hội trường chính để giao tiếp với thế giới “trong ngoài” đã bị xâm nhập và nhiễu loạn. Với những ng thực hành thiền định, đây là lúc các xúc cảm khởi lên mạnh mẽ nhất: có thể tự dưng khởi lên một cơn giận bùng phát mà không biết lý do gì, tự dưng có cảm giác hoan lạc (nên cứ tưởng là chứng ngộ gì đó – thực chất vẫn là ảo giác) hoặc tự nhiên thấy lạc vào một thế giới khác hẳn. Thời gian cũng bị bóp méo, có ng bị ảo giác cả giờ mà cứ tưởng là ngồi thiền 15p thôi, có ng cảm thấy mình du chơi các cõi rất lâu mà nhìn lại chỉ mới có vài phút, cũng có ng mới “mất mình” chút xíu mà đã 30p trôi qua (hôn trầm). Điểm đặc biệt là ảo giác này vẫn có thể theo ta suốt ngày, cho nên có nhiều ng thực hành thiền định rồi thì có vẻ như “điên điên” không kiểm soát được ngay cả trong cuộc sống bình thường. Các vị Thầy vẫn dạy Chánh Niệm trước rồi mới tới Thiền Định, vì có Chánh Niệm sẽ nhận rõ đâu là “thật có”, đâu là cảm xúc “không phải của mình”. Đấy là các trạng thái “thần nhập” và “ma nhập” tùy theo căn phước mỗi người. Vì có ng tuy sống trong ảo giác nhưng rất đặc biệt, sáng tác được những điều phi thường hoặc văn thơ trôi chảy cứ như “ai đó” truyền dạy cho mình từ Vô Hình. Có người trong Ảo Giác thấy về cõi Phật Thánh nghe giảng Đạo, rồi nói Pháp rất trôi chảy, tâm linh nhạy bén,..biểu hiện như là đã ngộ nhưng chỉ là vay mượn từ các ảo cảnh nội tâm. Dĩ nhiên cũng có các cơn điên khùng bộc phát, hoặc tự nhiên “đổ nghiệp” yêu đắm đuối một ai đó mà không có lý do xác thực nào. Ngày nay, có quá ít các bậc Thầy chứng ngộ thật sự, nên rất nhiều người hiểu lầm các ảo giác này là Tánh Giác, vì nó quá gần với trung tâm nhận biết nên ta đột nhiên thấy Thế Giới Quan thay đổi hẳn, cứ như đã Thức Tỉnh hay Ngộ gì đấy rồi. Ảo giác này còn nguy hiểm hơn cả các kiểu trước vì nó ảnh hưởng lên nhân cách con người (ảo tưởng mình đã ngộ) và nó kéo lan ra cả đời sống thường ngày, chứ không như loại nhắm mắt xếp chân mới gặp.

 

Gọi là ảo giác, vì nó xuất hiện trên các giác quan mà ta không tự chủ được – không thể bắt nó dứt hoặc điều khiển theo hướng có lợi. Tuy nhiên, đó là mức độ ban đầu, ng tu tập nếu có đủ Phước và Đức thì sẽ từ từ chế ngự được Ảo Giác và dần có quyền hành trên các Giác Quan, nghĩa là có thể tự tạo ra các cảm giác và sống hiện hữu tự chủ trong ấy – ta gọi là có thể hưởng thụ cảm thọ của Ảo Giác (chưa phải là Hỷ Lạc của các tầng mức Thiền). Quyền hạn ngày càng tăng theo sự tỉnh giác, ta có thể tạm gọi đấy là một “thực tại ảo” có phần nào liên quan đến Thần Thông (như ý pháp). Vd khi tôi ngồi thiền, tâm tĩnh lặng, tôi muốn quay về cảm giác thời thơ ấu để nhớ lại các cảm xúc và cảm giác đầy đủ, tức thời tôi được sống lại trọn vẹn trong cái tiềm thức đã lưu trữ các cảm thọ. Ngoài ra tôi có thể tìm hiểu và sống lại với các góc cạnh mà ngày xưa đã bỏ lỡ mất, có quyền tự chủ cao độ như tua xuôi ngược một cuốn băng video và tùy nghi chỉnh sửa nó. Có khi không thích chuyện quá khứ, tôi có thể hướng tâm đến một cõi Thiên, dùng Tâm Tạo Tác phóng chiếu ra một cảnh tươi đẹp và sống trong ấy với đầy đủ cảm giác cảm xúc. Đấy không hẳn là Ảo Giác nữa, mà là dùng Tâm Tưởng để thể hiện một thế giới ảo, đẹp và vi diệu tùy theo Phước Báu của mỗi người. Dù là bị bắt buộc hay tự chủ, đấy cũng không có thực, tất cả đều biến mất khi Tâm thâm nhập sâu dần vào các tầng Định.

 

 

 

Ảo giác (3)

4. Tác hại của các loại Ảo Giác

Ảnh hưởng lên thân vật lý, những ai từng say rựu một lần sẽ biết cảm giác mệt mõi của ngày hôm sau là thế nào – dù là uống loại rựu cao cấp và xịn. Ai có say café thì biết cảm giác tim đập mạnh và khó chịu thế nào, dù có ngủ được sau đó thì vẫn sẽ có cảm giác nặng đầu và thiếu năng lượng. Tôi đọc các mô tả “kinh nghiệm xài nấm” và các chất thức thần thì đều thấy hiện tượng “bị vật” trước và sau khi “phê”. Ban đầu thì quá kích thích, sau đó thì quá mệt mỏi, kích thích càng mạnh thì thời gian hồi phục càng lâu. Các hóa chất mạnh hơn còn tàn phá hủy hoại cơ thể kinh hoàng hơn nữa. Người ta bảo ốm nhom như xì ke, có ai mập khỏe cơ bắp…như xì ke đâu? Còn tiền, còn điều kiện thì còn chơi loại sang, ít độc hại, hết tiền hết phước thì mới thấy thế nào là xương xẩu của Tử Thần.

 

Ảo giác sinh ra do thiền định tuy bị gọi là “chướng ngại” và “nguy hiểm” nhưng không ảnh hưởng lên tấm thân vật lý. Chưa có ai than phiền là mệt mỏi vì ảo giác, chưa ai phải ốm o vì những ảo cảnh (trừ khi nó tác động lên tâm lý rồi lo buồn sợ hãi). Người ngồi thiền, nếu có ảo cảnh đẹp thì sau đó cảm thấy đầy năng lượng hơn, yêu đời hơn, bước ra ngoài cuộc sống thật mà không hề có chút gì mệt mỏi trên thân. Nếu bị ảo cảnh khủng khiếp quá (do nghiệp) thì sẽ được các Thầy hướng dẫn cho các phương pháp đối trị, là do vì tâm mà ảnh hưởng tới thân, chứ không vì hóa chất tàn phá cơ thể.

Dù không say mèm thì cũng sẽ có 1 hiện tượng ngược: đấy là cảm giác nghiện, thèm được say tiếp với liều lượng mạnh hơn. Cảm giác này rất khó chịu vì nó cứ như xe hết xăng, hoặc thôi thúc ta phải thỏa mãn cơn nghiện ấy. Nếu là thuốc lá thì ta cảm thấy mất hết hứng thú, ăn mất ngon, uống không mùi vị, lừ đừ,…thiếu café cũng cho cảm giác trơ và buồn ngủ thiếu tỉnh táo, thiếu rựu thì run tay và mất kiểm soát suy nghĩ. Ai từng đến những trại cai nghiện hoặc có ng thân trong gia đình bị nghiện ma túy thì sẽ hiểu sự khủng khiếp khi cơn ghiền đến! Chỉ có thể nói 1 chữ “điên loạn”. Biết bao người bán nhà cửa vợ con chỉ vì Á Phiện, biết bao cảnh khổ trên đời này có tên Ma Túy.

 

Chưa có ai đắc thiền mà nghiện Ảo Giác, nếu được các Thầy hướng dẫn rõ ràng tận tình, được chứng ngộ dần các loại Ảo giác có tự chủ hơn thì họ sẽ ngộ ra và bỏ ngay. Bởi vì bước qua khỏi Ảo Giác là đến bến bờ của Thần Thông, mà cái này thì còn…tuyệt vời hơn nhiều! Nếu không có Minh Sư hướng dẫn, cứ tìm ảo giác để thỏa mãn thì Phước sẽ mất dần, lui sụt trong thiền định hoặc dẫn tới điên loạn do các ảo giác cứ bám theo vào cuộc sống thực. Dù vậy, cũng không có cảm giác nghiện và sự đòi hỏi phải thỏa mãn mãnh liệt như dùng hóa chất – vì thiền định khó khăn hơn là uống hay hút ma túy.

Gây ra các ảo giác thứ cấp. Chưa nói đến chuyện say rựu hoặc chơi drug rồi lái xe, dù là tỉnh hẳn trong máu không có thuốc vẫn dễ sinh ra các ảo giác phụ, do quá trình tâm trí bị căng thẳng hay thay đổi quá mức. Ngay cả trong lúc đang “thèm” vẫn có thể có cảm giác xấu, mất tập trung hoặc mất bình tĩnh, run tay chân,…đấy là lúc các bất cẩn và tai nạn xãy ra. Chứng hoang tưởng và trầm cảm rất thường thấy ở người nghiện rựu, chứng ngủ gật thường gặp ở người nghiện café. Nghĩa là sau khi hết tác dụng của hóa chất thì cơ thể vẫn còn các phản ứng phụ kéo dài rất lâu sau đó. Nhưng khi bị Ảo Giác do thiền định thì lúc xả thiền sẽ không bị phản ứng phụ gì nữa, không sinh ra các ảo giác thứ cấp. Một số trường hợp bị ảo giác trong đời sống hoạt động là do còn tập trung vào tu tập (thiền trong cuộc sống hàng ngày) hoặc rãnh rỗi không có gì làm bèn…tập trung chú ý hơi thở, thế là vọng tưởng lặng, ảo giác phát sinh. Khi nhận ra điều này, hoặc đi đến bước tự chủ trong cảm giác, sẽ dẹp bỏ tiệt gốc được hoàn toàn kiểu ảo giác này.

 

Thần kinh giả, vong nhập, thần nhập,…đấy là các hậu quả khi tu tập các môn tâm linh nguy hiểm (không phải Thiền Định của Phật Giáo, và không có Thầy hướng dẫn). Nguyên nhân phát sinh là do Tâm bám giữ các ảo giác ấy và lặp lại nó nhiều lần, sự bám víu này cũng có nguyên nhân sâu xa khi Tâm bị mất phương hướng (buồn giận, xúc động, bi quan yếm thế, tò mò,…). Tùy theo Duyên Phước và căn cơ mà biểu hiện ra là Ma hay Thần – nhưng đều là ảo, do Tâm dựng lên. Uống rựu và xài các chất kích thích liều mạnh cũng gây ra cách hiện tượng thay đổi nhân cách này, ng đó nhiều lúc biến hẳn thành một ai khác, gọi là chứng Rối Loạn Nhân Cách.

 

Gây ra các Ảo Tưởng tai hại, nhất là tự cho mình đã thức tỉnh và giác ngộ gì đó. Thật là buồn cười khi một ng nào đấy cảm nhận thế giới quan khác hẳn thì bảo là đã được thức thần và ngộ ra bản chất của Vũ Trụ Quan. Giống như một đứa trẻ được Ba dắt đi xa chơi, về tuyên bố với đám bạn là đã khám phá ra Thế Giới! Dần dần thì những người tu thiền “ngủ mơ” thấy Phật cũng bớt kiêu mạn ra, nhưng còn những ng bị ảo giác ở Pháp quan thì khó buông bỏ hơn, vì nó có gì đó mới lạ lắm, không thể diễn tả được! Những người này, chỉ khi nào nhờ một nhân duyên gì đó vượt qua được ảo giác, họ mới tin rằng những điều trước đây là ảo tưởng.

 

 

 

Ảo giác (4)

23 September 2015 at 15:02 

5. Sự nhầm lẫn giữa Ảo Giác và Chân Giác (Ngộ)

 

Không phải chỉ có các bạn chơi chất DMT mới ngộ nhận, dân tu thiền nhiều đời nay cũng nhầm lẫn tai hại đáng thương ở những điểm này. Không ai biết mình đang mơ khi đang nằm mơ, nên việc nhắc nhở các vị đang “thức” trong mơ là vô nghĩa. Đã gọi là Ảo Giác thì chưa phải là Chánh Niệm Tỉnh Giác, tức là còn quá xa khỏi các tầng Định và bậc Thiền, thì làm sao nói tới Ngộ và Tuệ?

 

Người kiên quyết đi trên con đường Giác Ngộ, có chút gặt hái thì đều tự dưng được mọi người phát sinh kính mến và tin tưởng. Khi sống gần họ sẽ có cảm giác hạnh phúc thanh tịnh, cảm thấy rất nhẹ nhàng và hòa hợp. Người đời sẽ buông xả tự nhiên khi gặp một vị thầy tu thiền tinh tấn, nhưng sẽ co lại phòng thủ khi gặp một kẻ nghiện hút Cần Sa hay DMT. Người đời cúi đầu trước cái Đức chiến thắng vọng tưởng và ảo giác của một vị Thầy, nhưng sẽ co chân đạp một kẻ chìm đắm trong ảo giác của hóa chất – trong khinh bỉ. Không nói gì tới Chính Phủ, cả Xã Hội này ai cũng có ác cảm với kẻ nghiện ngập, dù nghệ sỹ có khi phải hút Á Phiện để tìm cảm giác sáng tác, nhưng chả ai xem trọng những kẻ chìm đắm trong cảm giác hưởng thụ cả, vì ngại nó sẽ…cầm dùm đồ đạc của mình.

 

Hưởng thụ luôn sinh ra tham đắm và chấp giữ, đó là sự khác nhau của Giác Ngộ tức là Buông Xả. Sau một “trip” thì các “thanh niên chuyên Cần” sẽ lại muốn có Cần nữa để mà hút tiếp, càng tham đắm cảm giác “phê” ấy và càng muốn nó phải mạnh hơn, đồng thời với việc tăng dần liều lượng. Một người thiền định sẽ có tiến trình Xả và Bỏ, sự hưởng thụ ngày càng ít lại, ban đầu là Sơ Thiền với “hỷ lạc thấm nhuần từng tế bào” do ly dục, hỷ lạc “như nước dâng lên” do định sanh của Nhị Thiền. Nhưng lại phải “ly hỷ trú xả” và “xả niệm lạc trú” để có lạc thọ không hỷ của Tam Thiền. Cuối cùng phải “xả lạc, xả khổ” không còn cảm giác gì nữa để vào Tứ Thiền. Chính vì không có hỷ lạc nữa nên ng tu thiền cũng không tham đắm và chấp giữ. Sự khác nhau này có thể thấy rõ, Tham và Xả bỏ là hai khái niệm ngược chiều nhau.

 

Người chứng ngộ thực sự sẽ xem thiền định là nghỉ ngơi, là vô vị an tịnh, còn kẻ ham “thức thần” bằng hóa chất sẽ chấp nhận động loạn căng thẳng để hưởng thụ. Sự nghỉ ngơi là một quá trình buông xả nhẹ nhàng, sau đó là tỉnh giấc với thân tâm tươi mới sảng khoái. Sự hưởng thụ bằng cách xiết nát cơ thể sẽ có kết quả là thân tâm mệt đừ mà vẫn luôn thèm muốn tiếp.

 

Người tỉnh thức bằng con đường Thiền Định cũng kinh nghiệm qua các ảo giác thế giới quan, cũng cảm nhận vũ trụ xung quanh theo các tầng mức khác nhau từ thô cho tới vi tế dần, rồi cho tới lúc chỉ thấy vũ trụ là những ảo tưởng của Tâm Thức (các tầng định Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ,…cho tới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng). Tiến trình nhận thức ra sự thật của Vũ Trụ Quan rất rõ ràng, logic và biện chứng. Bắt đầu từ việc mất lệ thuộc lên Thân Tâm (Tứ Thiền, không còn cảm thọ của thân tâm) cho tới việc nhận biết Thế Giới thực tại bên ngoài Thân Tâm – dưới cái nhìn và biết “không giác quan”, bắt đầu từ các tầng lớp của Thức cho tới cái lõi cuối cùng và sau đó không còn gì hết, nhập vào Diệt Tận Định, chứng ngộ bản chất cuối cùng của Tâm Thức.

 

So với con đường Thiền Định thì việc sử dụng chất DMT để “thức thần” cho ra cảm giác méo mó, rồi có tí rỗng rang tỉnh lặng, có sự hưng phấn do thần kinh giao cảm bị kích thích tột độ. Nếu có “ngộ” ra gì đó thì hoàn toàn ngược và khác với kết quả của Thiền Định. Để có Định thì tâm phải yên lắng và rỗng rang sáng suốt nhưng lại đầy năng lượng nhận biết, mới thấy rõ bản chất của nó. Còn khuấy động lên rồi chờ nó mệt nhoài, thì cũng kinh nghiệm được chút tỉnh lặng, nhưng đấy là loại tà Định. Giống như Osho tuyên bố rằng “sau khi thăng hoa trong tình dục thì sẽ có thoáng thấy kinh nghiệm thiền định”, lúc ấy thân tâm cũng mệt nhoài nên chán chả vọng tưởng, được chút yên lắng giả tạm, chả có gì sâu sắc để so sánh với các tầng Thiền Định thấp nhất! Có thể so sánh với các kiểu Định của Mật Tông, sau khi đọc chú và quán Madala đến mệt nhoài, tâm mất hết năng lượng thì nó yên được một thoáng. Hoặc kiểu quán Thoại Đầu vô nghĩa, cho tới khi tâm bị bủa vây không lối thoát rồi “bừng ngộ” một cái tâm trống rỗng – mức ngộ này chỉ là Chánh Niệm Tỉnh Giác, còn phải miệt mài lắm mới tới được Thiền và Định (đốn ngộ đi đôi với tiệm tu). Dù “thức thần” bằng hóa chất có thể cho cảm giác tâm rỗng lặng không có suy nghĩ, thì những kiểu ngộ này vẫn là một trời một vực so với các kết quả của con đường Chính Đạo. Để được “rỗng lặng” thì bước dạo đầu cũng cực kỳ động loạn kinh khủng với các ảo giác méo mó nhận thức và sau đó chấp nhận tác hại của hóa chất lên cơ thể – các phản ứng phụ tất yếu của DMT. Mật Tông và Thiền Tông cũng mang tới cái Ngộ tâm thanh tịnh, nhưng không có tác dụng phụ.

Những người đã có chút thành quả tu tập bằng Chánh Đạo sẽ có một đời sống rất Đạo Đức và gương mẫu. Cảm giác sợ mất và sợ chết nhẹ đi, nên họ sẳng sàng hy sinh và cho đi nhiều thứ, có khi là sinh mạnh cũng không tiếc. Họ thực hành các hạnh Ba La Mật hoặc đi theo Bồ Tát Hạnh để hoằng truyền Chánh Pháp, độ hóa và giải thoát cho nhiều ng khác, hoặc đơn giãn hơn như Nam Tông, chỉ là đơn giãn tự giác ngộ cho mình. Sự biểu hiện cơ bản nhất là những Vị này không cần có nhiều thứ vẫn cảm thấy hạnh phúc, họ sống buông thả nhẹ nhàng hoặc dũng mãnh đấu tranh tùy hạnh nguyện nhưng không bị trói buộc vào bất cứ điều gì, kể cả Thiền Định cũng chỉ là chiếc bè mà thôi. Những người bị lệ thuộc vào chất kích thích thì ngược lại, có đời sống nhìn có vẻ “bất cần” nhưng lại cần rất nhiều, nhất là thứ hóa chất ma túy ấy. Ng này sẳng sàng lấy đi của ng khác, để thỏa mãn bản thân. Thay vì giúp đỡ XH cùng tốt lên, họ cũng nghĩ rằng hóa chất thức thần là tốt, và “khuyến khích” nhiều ng khác cùng sử dụng – hậu quả là XH ngày càng kiệt quệ, trại cai nghiện càng đầy. Nếu bị ngăn cấm, họ có phản ứng rất dữ dội.

 

Một trong các biểu hiện (và hệ quả phụ) của Định là Tuệ Giác, tức là khả năng về tâm linh khai mở, cảm nhận và trí óc rất nhạy bén. Những ng này có thể viết nhạc (TCS) làm thơ (Tagore) hoặc vẽ tranh (Thư pháp, thư họa thiền), nội dung rất trong sáng và có giá trị. Điều quan trọng là cái Tuệ Giác có trước Khả Năng, sau đó chỉ cần các kỹ thuật thể hiện. Người được khai mở tâm linh lại có khả năng nhìn nhận và phân tích Xã Hội, vạch ra đường lối phát triển và con đường đi đúng đắn cho cộng đồng, thấy rõ bản chất của vấn đề. Nhưng đấy chỉ là điều nhỏ nhặt trong tác dụng của Tuệ Giác Ngộ. Những ng được thức thần bằng hóa chất cũng có được một ít thời gian nhạy bén trí tuệ để cảm nhận sâu sắc về XH và con người, khi tâm yên lắng được ít phút. Không thể phủ nhận các tác phẩm đầy hơi men và khói thuốc của TCS, hay các vần thơ đầy mùi thuốc Phiện của Tản Đà.  Ít ai biết TCS có một cuộc sống rất Đạo vị từ bé khi ở với mẹ trong cái khung văn hóa Huế bàng bạc Thiền (ta có thể đọc qua các bài viết ngắn của TCS). Hai nghệ sỹ lớn mà tôi kính phục là Văn Cao và Bùi Giáng, tác phẩm của họ không có chất kích thích. Để có một Tuệ Giác như Bùi Giáng (thông thạo nhiều ngôn ngữ – dịch sách triết học, văn thơ,..) thì đâu cần tới những thứ “thức thần” độc hại.

 

Chánh Đạo và Ma Túy là hai con đường thuận nghịch đối đầu nhau nhưng nếu chỉ xét trên bề ngoài cạn cợt thì nhiều người dễ ngộ nhận là DMT khiến ng ta có trí tuệ. Những người có nền tảng học thức và nhận thức cao, họ dùng DMT để khai mở một lối thoát khác – khi bị giam hãm trong cái mớ kiến thức lùng nhùng của XH. Trong các trường hợp đấy, sau khi giải tỏa tâm thức (thức thần) thì cảm thấy như bừng ngộ, được “giải thoát” ra khỏi chính mình. Cái trí tuệ mà họ “cảm thấy” sau khi xài DMT thực ra là của chính họ từ trước, giống như thế cờ Trân Lung phải bị Hư Trúc thí quân mất một khoảng to thì mới có đường đi – những người trip DMT cũng bị mất một mảng lớn trong đầu, từ đó họ có khoảng không để xử lý lại cái mớ kiến thức lộn xộn lúc trước. Sự ngộ nhận này rất nguy hiểm, và nếu được nói lên từ những người có uy tín thì càng gây tác hại lớn. Vì những kẻ “chưa có gì” thì có thức thần đi nữa thì cũng không thông minh hơn, không có IQ cao hơn đâu, cái “thức” ấy không thể đưa phàm phu lên bậc Thánh, thì đừng nói gì tới chuyện “Phật giác ngộ dưới gốc nấm”. Thay vì sau một lần “thức thần” ấy, họ tìm ra hướng đi mới và tinh tấn bước lên, thì những kẻ ấy lại bị kẹt lại với DMT. Lần này đến lần khác, họ tìm lại DMT để được “thức thần” và cũng chẳng có gì mới, ngược lại càng “giết quân mình” nhiều hơn và mãi cho tới khi mất hết không còn gì nữa. Đó cũng là nguyên nhân khiến các Thiền Sinh bị mất nhân cách khi công đức lui sụt, họ có được tí khả năng làm chủ ảo giác, nhưng lại tìm hưởng thụ trong thiền định. Không có gì tốn dầu hơn là khêu cái tim đèn lên và…đốt cho thỏa thích mà chả để làm gì hết, kết quả khi hết Phước sẽ điên loạn. Những bậc Thầy có tâm đức luôn hướng dẫn đệ tử dùng cái Ngộ này để hướng tới cái Tuệ khác, rồi từng bước đi hai chân tới cái Ngộ và Tuệ mới, vượt xa khỏi những Ảo Giác ban đầu. Khi đã bước ra khỏi cái bậc thang ban đầu thì ta mới thấy nó thấp bé và không bền vững – chỉ khi nào ta thoát khỏi nó mà thôi, còn nếu vẫn bám nơi ấy thì tự cảm thấy cao siêu ghê lắm. Đó là điều khác nhau cơ bản: Thiền Định có thể từng bước đi lên cao mãi, còn dùng DMT thì chỉ có thể giẫm chân tại chổ và ngày càng lui sụt.

 

Chân Giác và Ảo Giác khác nhau rất rõ ràng ở cách giải quyết các vấn đề lớn, như chuyện Sống Chết và Đau Khổ của kiếp người, sự ổn định của Xã Hội, sự Phát Triển vững bền của Nhân Loại. Đức Phật và Lão Tử giải quyết về đề từ trong ra ngoài, bắt đầu từ nhận thức của mỗi cá nhân chứ không đổ lỗi cho thể chế hay xã hội. Khổng Tử giải quyết vấn đề trên hệ thống chung của XH chứ không đề cao hay phản bác một tồn tại riêng lẽ nào. Chúa Jesus cũng bắt đầu từ niềm tin và hy vọng về cái Thiện ở mỗi con người. Đức Phật thành công trong vấn đề giai cấp, Ngài dựa vào Vua và Chính Quyền để ổn định Xã Hội, Lão gia dựa vào cái Đạo tự nhiên vận hành trong Trời Đất, Khổng gia không ngại khó đi kêu gọi Vua Quan thực thi, về sau này được Mạnh Tử tiếp nối và cũng thành công nhờ vào sự thức tỉnh của giai cấp cầm quyền. Chúng ta được sống “đầy đủ” như ngày nay ở xh Tư Bản cũng là nhờ ơn Carl Marx đã khiến giai cấp Trùm Chính Phủ ngộ ra rằng muốn vững bền thì phải chia chút ít cho dân đen. Ở đây tôi chỉ lấy 1 cái Giác Ngộ của Phật: tánh Tham Dục trong mỗi con người, Thiền Định là để cắt Ái lìa Tham. Trong cuộc sống hàng ngày thì mỗi Thiền Sinh cũng nhắm tới ly Dục, ly Ác pháp – trong khi nhóm Ảo Giác lại ủng hộ cái Tham, cho rằng không có gì sai nếu có thêm vào, nhưng lại giãy nãy lên khi Chính Phủ xâm phạm quyền lợi của họ.

 

Mục đích của Giác Ngộ là diệt bớt Khổ đau, giảm hưởng thụ, còn mục đích của Ảo Ngộ là tăng thêm cảm giác (tăng liều DMT). Cái Chân Ngộ được thể hiện bằng tâm buông xả và từ bi vị tha (vì cuộc đời, vì người khác), còn cái Ảo Ngộ thì thể hiện bằng sự ham muốn và nhạy cảm giãy nảy lên khi có người khác đụng chạm tới cái bản thân. Người Giác Ngộ sống tối giãn các nhu cầu, thế nào cũng được không đòi hỏi gì, nhưng lại làm được những điều to lớn, luôn tự hỏi lòng phải làm gì cho đời. Người sử dụng chất kích thần cũng có kinh nghiệm “buông bỏ” tương tự khi say thuốc, cảm thấy không cần gì nữa (ngoài thuốc, dĩ nhiên) nhưng sau khi hết tác dụng thì lại tham muốn mạnh hơn (trước mắt là muốn có thuốc nhiều hơn). Khi cái cảm giác “tỉnh thức” ấy vây kín tâm thức, thì mọi hoạt động trong đời đều xoay quanh cảm giác “đặc biệt” ấy. Họ cũng cảm thấy đúng đắn khi giới thiệu và chia xẻ với các bạn khác cảm giác “thức tỉnh” này, để tạo nên một cộng đồng Cần Sa cùng tỉnh giác và bảo vệ lẫn nhau khỏi Chính Phủ. Một người tối giãn, hay đơn giãn là biến mất khỏi cuộc đời này, chưa làm gì có ích thì cũng là nhường lại cái ghế cho người khác. Thế còn một ng co lại, cố vun quén để bảo vệ bản thân, bảo thủ trước XH và CP, bị cô lập với cộng đồng, thì có ích lợi gì cho ai? Tôi không nói riêng gì DMT, trong một XH, những nhóm nào hưởng thụ và tăng trưởng không theo quy luật lợi ích chung thì cũng giống như những khối ung thư trong cơ thể vậy. Có những tế bào chuyên đi sửa lỗi trong cơ thể, thì cũng có những tế bào kết hợp lại để chống phá cơ thể – thật là phi lý khi chúng tự nhận rằng đã “tiến hóa cao hơn” với nhóm bình thường.

 

 

Ảo giác (5)

23 September 2015 at 15:08 

6. Những câu hỏi để mọi ng tự đánh giá lại bản thân

Tôi không đánh giá phiến diện, dù tôi đủ khả năng để phán xét đúng sai. Dưới đây là những thay đổi sau khi sữ dụng chất “thức thần” DMT và kể cả thực hành Thiền Định. Mọi người tự trả lời và nhận xét lại bản thân. Tôi chưa vội kết luận bên nào đúng, vì ngay cả những người thực hành Thiền mà tôi biết, họ cũng có rất nhiều sai lầm dẫn đến kết quả lui sụt.

a. Về thân thể – bề ngoài

Sức khỏe: bạn có khỏe mạnh hơn không, ý nói về sức mạnh cơ bắp và sức kháng cự bệnh tật. Bạn có cảm thấy sợ lạnh, sợ nước hay sợ nóng hơn, hay bạn đã tăng được sự thích nghi với môi trường: mùa hè ko thấy nóng bức, mùa đông không cảm thấy buốt giá, vẫn bình thường khi bao người phải bệnh đau? Bạn có cảm thấy cơ thể khỏe mạnh hơn, lao động lâu không mệt mỏi?

 

Sắc đẹp chủ quan: nhìn vào gương, bạn có cảm thấy yêu quý thân thể mình, có muốn chăm sóc nó để sữ dụng cho tốt hơn. Da có hồng sáng hơn, mắt có thần sắc hơn, cả dáng đi mang phong cách đẹp và uy nghi hơn? Sự thay đổi về tâm luôn dẫn tới thay đổi về thân và sắc, không phân biệt mập hay gầy nhưng tướng mạo sẽ có thay đổi chứ không bao giờ giữ nguyên cả.

 

Sắc đẹp khách quan: những người xung quanh có khen tặng bạn nhiều hơn, dù bạn cảm thấy chẳng có thay đổi gì nhưng trong mắt ng khác, bạn đã đổi mới? Điều này thể hiện rõ qua máy ảnh, khi rửa hình ra thì người có tâm linh sáng luôn “có gì đó” nổi bật trong tấm ảnh.

 

Sự sạch sẽ: bạn có ưa chuộng ở sạch, có cảm thấy khó chịu với mùi hôi nhẹ từ cơ thể mình? Bạn có tắm rửa thường xuyên hơn và cảm thấy ngại khi mình xuất hiện trước mặt người khác với ngoại hình hơi kém sạch? Thật buồn cười khi nhiều ng tu tập tâm linh một thời gian, họ tự hào khoe rằng “dạo này tui bớt hôi hơn”, thực ra là họ đã quen với mùi hôi của họ, và đang tra tấn người khác. Những người hút thuốc thì ai tới gần cũng biết, nghiện rựu cũng thế. Còn những ng hút Cần thì cũng tiết ra một mùi rất đặc trưng, đi thoáng qua là cảm nhận được ngay. Những người tu thiền lâu năm, có Tuệ Giác nhưng khi còn thân thì vẫn chịu sự phân rã của Tứ Đại, và vẫn…hôi hám như thường. Họ chỉ ít gây khó chịu cho người khác vì họ rất kỹ tánh với bản thân, và tối giãn ăn uống hưởng thụ nên rác thải ra từ cơ thể cũng tối thiểu.

 

Tác phong và thần thái: Bạn đường hoàng đĩnh đạc, bước đi ngay thẳng và dỏng mãnh, hay ngày càng có gì đó sợ sệt trốn tránh khi bị mọi người soi vào? Cái này cũng phụ thuộc vào con mắt và nhận xét của người khác. Có người tu tập tâm linh một thời gian thì tự dưng mọi ng nhìn vào đánh giá rất kém, trông thấy xuống cấp hẳn, chỉ vì ng ấy chuyên hưởng thụ chứ không tinh tấn vượt qua chướng ngại. Người tu tiến, có tỉnh thức và chút ngộ, thì sẽ có thần thái đặc biệt, nhu hòa mà lẫm liệt, tự nhiên mọi ng nhìn vào sẽ sinh ra kính tin.

 

b. Nội tâm

Sức chịu đựng trước bệnh tật, stress hay áp lực của công việc và cuộc sống. Ai cũng bệnh, nhưng người có sức mạnh nội tâm sẽ lướt qua như không. Sức mạnh ấy thể hiện rõ rệt nhất khi ng này đối diện các khó khăn chướng ngại trong đời sống. Đối với các Thiền Sinh, nếu gặp chướng ngại lớn quá thì họ sẽ Định Tâm lại, và tìm giải pháp trong Tuệ Giác rỗng sáng nhanh nhạy. Đối với tín đồ của ma túy (rựu, thuốc, DMT,…) thì họ sẽ dùng ngay các chất ấy, nhưng kết quả cuối cùng có giải quyết được vấn đề khó khăn hay không? Sức mạnh nội tâm thể hiện ở sự vượt lên và giải quyết thành công các khó khăn, chứ không phải là chống đối lại những trở ngại ấy.

 

Nội tâm có thanh thản không? Những ng nghiện rựu và thuốc lá, khi không bị cơn nghiện hành hạ thì có rất nhiều cảm xúc hối hận. Những Thiền Sinh để cho Ảo Giác dẫn dắt, giải đãi trước hôn trầm và thụy miên thì khi xả thiền cũng có nội tâm không yên ổn, vì đó là báo hiệu nền tảng Phước Đức bị lung lay. Chỉ khi nào từng bước tiến tu, thì dù ở mức độ rất thấp, dù bị chướng ngại chùng chùng nhưng nội tâm lúc nào cũng cảm thấy an ổn, ít nhất là không thấy thẹn với chính mình.

 

Có hình thành những nhân cách tốt đẹp hơn chưa? Nghiện café, thuốc lá, rựu,…chẳng bao giờ hình thành được một nhân cách đẹp hơn – hay ít ra là những hình ảnh của họ thể hiện ra rất ư là mất cảm tình. Bạn có ưa nổi người la cà quán café tán dóc, có thích thú hình ảnh kẻ phì phò khói thuốc, hoặc la hét trong quán nhậu? Những ng chơi Cần mà tôi từng gặp đều có một thái độ không quan tâm đến ngoại cảnh, vô cảm trước nỗi đau người khác. Trong thi đấu thể thao, họ biểu hiện thái độ coi thường đối thủ và bất cần kết quả thắng thua, khác hẳn tính thể thao thượng võ. Những người thiền sai và ảo ngộ cũng có một thái độ tiêu cực với đời, gặp đâu cũng nói Không giãng Ngộ nhưng lại không mang lại kính tin cho người khác. Nhân cách là biểu hiện của nội tâm, người sống đẹp với đời thường có một nội tâm đầy đủ. Bạn hãy tự hỏi xem, sau khi “tỉnh ngộ” thì bạn đã sống tốt đẹp hơn như thế nào?

 

Tứ Vô Lượng Tâm bao gồm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Người theo đúng Chánh Pháp sẽ dần dần vun bồi những đức tánh này. Thế thì nếu “thức thần” và Ngộ bằng hóa chất thì sẽ có những tâm tốt nào?

 

Khi suy nghĩ về Cuộc Đời, về Cái Chết. Bạn cảm thấy ghê sợ khi đối diện với tương lai, với cái chết, hay cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản như đã làm tốt xong một bài thi lớn?

 

c. Thái độ của bạn đối với cuộc đời

Bạn buông xuôi hay cảm thấy trách nhiệm thuộc về mình? Trước vào sau khi “thức thần”, kể cả thức tỉnh bằng Thiền Định.

 

Bạn nghĩ rằng sẽ phải làm gì sau khi “thức tỉnh”? Vâng, bạn “cao hơn” rồi, nhưng có lợi gì cho cuộc đời này?

 

Sự phản ứng của bạn trước dư luận XH, không chỉ có dân “thức thần” mà ngay cả những người thực hành thiền định nghiêm túc cũng bị vướng phải sự khác nhau của XH.

 

Sự phản ứng của bạn với hệ thống vận hành XH, với CP và thể chế quản lý? Bạn la ó phản đối, giãy nảy lên đòi hỏi hay bạn thuận theo nó mà lèo lái uốn nắn để có lợi nhất cho mọi người?

 

Sự phản ứng của bạn đối với gia đình, cha mẹ và người thân: bạn có thương yêu lo lắng cho họ hơn, hay bạn cảm thấy ghét và bực bội khi nghĩ về họ?

Thái độ của bạn đối với chính cuộc đời mình: bạn buông xuôi hay cố gắng hết mức để cải thiện nó? Bạn muốn “tận hưởng” hết mình hay để dành lại cho những sự kiện quan trọng hơn, vd con cái, sự nghiệp,…

 

Những người sống xung quanh bạn có vui tươi và hạnh phúc hơn không? Họ có may mắn và tươi đẹp lên, hay bị những xui rũi liên miên – dù chẳng liên quan gì tới bạn.

 

Khi không còn ảnh hưởng của thuốc, của Định, bạn có thấy cảnh vật tự nhiên tươi đẹp hơn không? Hay không còn quan tâm đến cái đẹp nữa? Bạn có yêu đời và yêu con người hơn, hay cảm thấy chán ghét cuộc đời này?

 

Khi một người được Ngộ, thì hoa cỏ nơi ấy cũng tươi tắn hơn, Chư Thiên hướng về nên nơi đấy lúc nào cũng đặc biệt. Thế nơi bạn ở có gì khác biệt hẳn ra?

 

Bạn Ngộ được gì từ việc sữ dụng chất thức thần? Còn tôi qua những kinh nghiệm của những ng xài DMT, chứng minh được một điều: Vạn pháp duy tâm tạo. Vũ trụ này là do tâm thức ánh xạ nên và chủ quan chứ không khách quan như mọi ng vẫn chung nghĩ. Khi tâm của bạn bị biến đổi (giác quan và bộ phận xử lý) thì vũ trụ quan cũng biến dạng theo tâm của bạn. Nó thanh tịnh và đẹp hơn nếu bạn biến đổi tâm thức theo chiều hướng tốt, nó kinh khủng và dị dạng nếu tâm thức của bạn bị bóp méo theo hướng xấu. Người ngồi thiền, nhập vào các tầng Định khác nhau đều kinh nghiệm thế giới quan càng vi tế dần, cứ như là đi vào “đạo hàm” bản chất từng lớp  vi tế hơn của vũ trụ vậy. Nếu tâm bạn khác tâm của tôi, thì thế giới quan và vũ trụ của bạn cũng khác tôi, không có gì khách quan giữa hai ta cả. Thân là gốc của tâm, thân bị hóa chất chi phối thì tâm cũng méo mó, vũ trụ quan vì thế mà biến đổi. Nếu bạn cho rằng cái bạn kinh nghiệm trong lúc phê DMT mới chính là bản chất của vũ trụ thì bạn lại bị vướng mắc. Những ai đi đến tận cùng của Thiền và Định, đều có Tuệ giác về Vũ trụ này rằng “bản chất của Vũ Trụ là Không”. Bất cứ ai đi theo Chánh Đạo, càng đi đến cuối đường càng thấy rõ bản chất ấy, nhưng buông ra cuộc đời vẫn sống đúng quy luật của tự nhiên.

Comments are closed.