ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU VỀ PHƯƠNG PHÁP HÍT THỞ:
Chúng tôi hân hạnh tiếp nhận Phương Pháp Hít Thở giúp cho sức khỏe tráng kiện, tinh thần thoải mái, trí tuệ sáng suốt từ Thiêng Liêng bằng Ân Điển năm 1974. Trên 30 năm qua chúng tôi liên tục thực hành và truyền đạt đến nhiều anh em, hầu hết đều có kết quả tốt về cả hai phương diện, sức khỏe và trí tuệ sau một thời gian thực hành. Chúng tôi xin ghi lại đây để cống hiến qúy vị đã và đang tìm hiểu hay đang thực hành các phương pháp: yoga, khí công, thiền định hay tịnh luyện v.v. có thêm tài liệu để tham khảo hầu giúp cho việc hành trì thêm hiệu quả.
Phương Pháp Hít Thở mà Thiêng Liêng chỉ dạy cho anh em chúng tôi về căn bản không khác với các phương pháp do các Đấng Giáo Tổ đã trao truyền cho nhân loại. Xin thưa rõ rằng, phương pháp hít thở nầy không khác với chơn truyền về tu luyện của các tôn giáo. Đây là phương pháp giúp nâng cao sức khỏe, giải trừ bịnh tật, an định tinh thần để trí tuệ minh linh tạo điều kiện để cho chúng ta có đủ khả năng đóng góp vào việc xây dựng thế giới thanh bình, hạnh phúc, văn minh, đạo đức và tiến bộ chứ không dành riêng cho thành phần nào. Sau nhiều năm thực hành và quan tâm nghiên cứu, đối chiếu với các pháp tu của các nền chánh đạo, chúng tôi nhận thấy, phương pháp hít thở được Thiêng Liêng chỉ dạy cho chúng tôi rất đơn giản, rất rõ ràng, rất dễ hiểu, và rất dễ thực hành. Đặc biệt, theo hiểu biết của chúng tôi, pháp môn nầy rất thích hợp với sinh hoạt của nhân loại trong môi trường sống của thời đại. Có lẽ, đây là lý do mà Ơn Trên dạy chúng tôi phổ biến rộng rãi (Ơn Trên dạy chúng tôi phổ biến vào cuối thập niên 70) chứ không giữ kín như một số các pháp môn khác.
Cách thực hành Phương Pháp Hít Thở nầy thì rất đơn giản nhưng khả năng hóa giãi những ảnh hưởng của môi trường, cùng những phức tạp của đời sống trên thế gian ngày nay để giúp cho hành giả có được sức khỏe tráng kiện, trí tuệ sáng suốt thì rất cao. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì, Phương Pháp Hít Thở nầy (danh từ thường dùng trong tôn giáo là phương pháp thiền định hay tu luyện v.v.) cốt để giúp cho hành giả an vui đặng nâng cao sự mật thiết với thiên nhiên để có khả năng tiếp thu Năng Lực Mầu nhiệm của vũ trụ (Universal Force, Universal Energy, Universal Intelligence, Spirit of God…) và hòa hài với thiên nhiên. Khi chúng ta thực hành phương pháp hít thở thường xuyên cùng với kỹ thuật khai thông bế tắc bên trong cơ thể để vận dụng Năng Lực Vi Diệu nơi nội thân (Vital Energy, Life Force) thì sẽ giúp cho sức khỏe tráng kiện và trí tuệ minh linh để đạt đến hạnh phúc chân thực nơi thế gian nầy.
Sau những buổi hội luận về phương pháp hít thở trên các phương tiện truyền thanh và báo chí ở Mỹ, Canada cũng như kết quả tham khảo ý kiến với nhiều tổ chức khoa học chuyên ngành trên Bắc Mỹ cùng những lúc trình bày cùng cộng đồng và các tổ chức tín ngưỡng tại nhiều nơi, chúng tôi nhận được những đóng góp đầy khích lệ. Đối với giới khoa học thì, Phương Pháp Hít Thở để tiếp thu năng lực mầu nhiệm của vũ trụ cùng với kỹ thuật vận dụng năng lực vi diệu nội thân để giúp cho sức khỏe tráng kiện, trí tuệ sáng suốt, chính là nền tảng của ngành Energy Medicine của ngày nay (phương pháp chửa bịnh bằng năng lực vô hình và năng lực nội tại của giới y khoa đương thời). Còn đối với đại chúng, trong những dịp hướng dẫn việc hít thở, những anh em đón nhận và thực hành Phương Pháp Hít Thở mà chúng tôi truyền đạt đều có được kết quả tốt. Trong những dịp hướng dẫn việc hít thở, nhiều anh em thường khuyến khích chúng tôi phổ biến phương pháp hít thở nầy đến mọi người. Những khuyến khích đầy tha thiết của nhiều thành phần trong suốt vài thập niên qua đã khích lệ và giúp cho chúng tôi thấy rõ rằng, nhân loại đang tích cực hướng về tâm linh và rất khát khao được đón nhận Ân Phước Trời Phật ban bố. Chúng tôi tích cực tiếp tục phổ biến rộng rãi phương pháp Hít Thở được Ơn Trên ban trao cho nhân thế với lòng mong muốn đây là một nhịp cầu mang đến ích lợi cho tất cả mọi người.
Vì ý nghĩa thiêng liêng vô cùng cao qúy trong mục đích xây dựng cảnh an lạc, thanh bình, văn minh, đạo đức và tiến bộ cho nhân loại của Ơn Trên. Và, vì lợi ích cho sức khỏe và tâm linh của nhân sinh, chúng tôi xin tóm tắt Phương Pháp Hít Thở để trao tặng cho qúi vị có đủ túc duyên có tài liệu để tham khảo, nghiên cứu. Nếu qúi vị thấy thích nghi xin hãy ráng gia công thực hành để có được lợi ích cho đời sống và trí tuệ.
Với khả năng hạn hẹp, và với giới hạn của văn tự, việc trình bày về Phương Pháp Hít Thở, một pháp môn vốn rất trừu tượng, rất ẩn áo và rất mầu nhiệm cho ngắn gọn, cho dễ hiểu chắc không tránh khỏi khuyết điểm. Nếu có khuyết điểm nào thì lỗi ấy là do nơi sự vụng về trong cách truyền đạt của chúng tôi chứ không do nơi Phương Pháp Hít Thở. Vì, then chốt của Phương Pháp Hít Thở rất đơn giản, không có chi là huyền bí hoặc ẩn áo hay khó hiểu, hành giả chỉ chú tâm vào việc hít vào, thở ra nhẹ nhàng, cho lâu, cho sâu và nhịp nhàng trong suốt thời gian thực hành để cho nó khế hợp với thời điểm đóng mở hạ thước kiều để đạt được nhiều kết quả mà thôi.
Trải qua nhiều thập niên thực hành và nghiên cứu về các định luật thiên nhiên liên hệ với Phương Pháp Hít Thở nầy, chúng tôi nhận thấy rằng, ngoài việc giúp cho sức khỏe tráng kiện, trí tuệ sáng suốt, phương pháp hít thở còn giúp cho chúng ta hiểu rõ: tại sao khi chúng ta điều khiển việc hít thở đúng phương pháp thì nó có khả năng vi diệu phục hồi sức khỏe làm cho thân thể tráng kiện; tại sao phương pháp hít thở giúp tiết kiệm năng lực của cơ thể và làm thoải mái đầu óc; tại sao việc hít thở có thể giúp cho trí tuệ sáng suốt; tại sao hơi thở có thể nối liền chúng ta với năng lực mầu nhiệm của vũ trụ (nối liền với quyền năng mầu nhiệm của Trời Phật, nối liền với Bản Thể của vũ trụ, hiệp nhất với Thượng Đế); tại sao hơi thở phải được điều hòa nhẹ nhàng và phải tác động nhịp nhàng với thời điểm đóng mở hạ thước kiều mới khai mở được cái kho tàng mầu nhiệm của vũ trụ có sẳn nơi nội thân chúng ta thì mới có được sức khỏe tráng kiện trí tuệ minh linh?
Qua chỉ dạy của Ơn Trên về Phương Pháp Hít Thở như vừa thưa cùng với những kết quả từ nhiều anh em đã thực tập trong vài thập niên qua, và dưới ánh sáng của khoa học ngày nay, chúng tôi rút ra được kinh nghiệm: khi hành giả thực hành đúng Phương Pháp Hít Thở thì con người nhỏ bé nơi thế gian nầy với vũ trụ bao la, xa cách nghìn trùng kia sẽ hòa hài mật thiết với nhau nên chẳng có chi cách biệt. Chúng ta có sẳn cái nhịp cầu vi diệu là hơi thở, chỉ cần biết cách điều chỉnh thì nó có khả năng giúp cho chúng ta thanh tịnh để nối kết với cái vũ trụ mênh mông kia hầu thu nhỏ cái vô tận vô biên vào trong bàn tay bé nhỏ nầy như các Đấng Giác Ngộ đã từng thực hiện. Chúng ta chỉ cần hít thở cho điều hòa, cho nhẹ nhàng và nhịp nhàng cùng với kỹ thuật nối liền Nhâm Đốc mạch để âm dương được hòa hài, giúp cho thân tâm được thanh tịnh đặng nâng cao sự mật thiết cùng thiên nhiên thì tâm trí chúng ta sẽ hòa đồng với nhịp điệu của vũ trụ. Chúng ta chỉ cần thực hành như thế thì cái chìa khóa để mở kho tàng bí mật của vũ trụ nằm ngay nơi chúng ta, do chúng ta. Đây là ân phước vô cùng to lớn cho thời đại của chúng ta. Trong kỹ nguyên tâm linh của nhân loại, phương pháp tu luyện để giúp cho thân tâm an định, trí tuệ sáng suốt làm nền tảng cho mục đích giải thoát luân hồi sanh tử mà các Đấng Giáo Tổ đã thực hành để đạt đến Giác Ngộ được phổ biến rộng rãi chứ không còn giữ kín, không còn bí pháp hay bí truyền nữa. Thật vô cùng may mắn cho thời đại của chúng ta, phương tiện để đạt được trí tuệ viên minh đã được phô bày để bất cứ ai cũng có thể tu hành được. Dấn thân thực hành để đạt đến an lạc, đạo đức và tiến bộ là quyền của chúng ta, do nơi chúng ta chứ Phật Trời dù có từ bi cũng không thể nào mang đến an lạc và chân hạnh phúc cho chúng ta được..
Ngược dòng lịch sữ của các tôn giáo chúng ta thấy rằng, Phật Tiên ngày xưa phải vô cùng khó nhọc mới tầm được phương pháp công phu thiền định hay tịnh luyện tức là phương pháp Hít Thở. Khi thấu triệt được sự mầu nhiệm của việc hít thở các Ngài tận tâm thực hành nhờ đó mà thoát khỏi luân hồi, đắc thành chánh quả. May mắn cho chúng ta vô cùng. Chúng ta được sanh trong Kỹ Nguyên Tâm Linh được Ơn Trên ban cho Phương Pháp Hít Thở rất thích hợp với đời sống thế gian và rất dễ thực hành. Chúng ta chỉ cần nương theo đó để tập luyện thường xuyên để có được an vui thanh tịnh thì trí tuệ sẽ hoát khai, đời sống sẽ an lạc để vui thú với cái sống hòa hài cùng xã hội, cùng thiên nhiên (tâm trí được khai mở, sống hòa đồng cùng vạn hữu, cùng Trời Phật). Trong Kinh tụng hàng ngày của đạo Cao Đài (Kinh Phật Giáo Tâm Kinh trong phần Kinh Nhựt Tụng của đạo Cao Đài) có xác định điều nầy rất rõ ràng: “Phá nhứt khiếu chi huyền quan. Tánh hiệp vô vi, thống tam tài”. Cách “phá nhứt khiếu…”, hay cách khai mở cái kho tàng vi diệu của vũ trụ tiềm ẩn ngay trong chúng ta kia chính là phương pháp hít thở. Chúng ta có được phương pháp vi diệu để “phá nhứt khiếu” (khai mở cái kho tàng mầu nhiệm có sẳn nơi ta) để cho: “Tánh hiệp vô vi” (Tâm Linh con người hiệp nhất với Bản Thể của vũ trụ) thì quyền năng để “thống tam tài” (thống ngự và điều khiển Thiên – Địa – Nhân) là quyền của chúng ta, do nơi chúng ta vậy!
Phương Pháp Hít Thở nầy là món quà thiêng liêng cao qúy của Ơn Trên trao cho nhân loại để giúp nhân sanh có được an lạc và chân hạnh phúc. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm chuyển cho qúi vị mà thôi. Nếu có duyên xin qúi vị hãy thực hành để tự chứng nghiệm được sự vi diệu của Phương Pháp Hít Thở rất là đơn giãn nầy.
Kính chúc qúi vị thành công và hân hạnh đón tiếp mọi ý kiến đóng góp.
Chúng tôi cũng xin cám ơn tất cả bạn bè và anh chị em có nhiều kinh nghiệm trải qua việc thực tập Hít Thở khuyến khích và tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện việc phổ biến tài liệu Hít Thở nầy.
*******************************************************************************
SAU ĐÂY LÀ PHẦN HÍT THỞ:
Con người có mặt nơi trần gian nầy là do nơi cha mẹ chúng ta tạo ra. Ngay từ lúc mới bắt đầu hình thành bào thai (ngay lúc cái trứng và tinh trùng gặp nhau) cha mẹ chúng ta đã trao lại cho chúng ta một kho tàng vô cùng vĩ đại, vô cùng mầu nhiệm chứa đựng tất cả thông tin bí mật của càn khôn vũ trụ. Sau khi hai phần âm dương của cha và mẹ gặp nhau thai nhi dần dần trưởng thành trong lòng của người mẹ đầy thương yêu. Nó được hình thành đúng theo dữ kiện đã được cài sẳn trong cái bào thai chứa cả một quyền năng vô cùng vĩ đại, vô cùng bí mật và mầu nhiệm. Khi thai nhi đã trưởng thành chúng ta rời sự dưỡng nuôi bảo bọc từ trong lòng của người mẹ để sanh ra giữa trần gian nầy thì hơi thở tức khắc xuất hiện để làm nhịp cầu nối liền giữa chúng ta với năng lực mầu nhiệm của Tạo Hóa (Creator, God…) để chúng ta tiếp tục tồn tại trên thế gian nầy.
Hơi thở là nhịp cầu nối liền giữa chúng ta cùng Tạo Hóa. Nhờ đó mà quyền năng vi diệu nơi nội thân được vận hành chính xác để chúng ta trưởng thành và giữ sự hòa hài mật thiết cùng vũ trụ. Nhưng trong cuộc sống giữa trần gian nầy nếu chỉ có hơi thở để tiếp thu năng lực vô hình mầu nhiệm của vũ trụ, tức chỉ tiếp thu Tiên Thiên Chân khí thì chưa đủ bảo toàn mạng sống nầy. Chúng ta phải tiếp thu năng lượng hữu hình qua thực phẩm, tức Hậu Thiên khí chất nơi trần gian thì mới có đủ Âm Dương để cho chúng ta tồn tại trên thế gian nầy. Qua hai yếu tố cần thiết của Tiên Thiên và Hậu Thiên hổ tương để bảo toàn sự sống của con người nơi thế gian như thế giúp chúng ta thấy Tạo Hóa đã cho chúng ta hiểu rõ ý nghĩa cụ thể về nguyên lý: Vạn vật hổ tương mật thiết, hoặc Âm Dương hài hòa hay Hữu Vô tương đắc. Nói một cách cụ thể hơn là năng lực vô hình và vật chất hữu hình có hài hòa và hổ tương mật thiết với nhau thì mới có cơ sanh hóa; con người và vạn vật trong vũ trụ mới tiến hóa và tồn tại. Đối với chúng ta thì khi nào sự mật thiết giữa chúng ta với quyền năng của Tạo Hóa bị cắt đứt đi, tức khi nào hơi thở của chúng ta ngưng đi thì sự sống chấm dứt, chúng ta trở về với cát bụi.
Trải qua cuộc sống chúng ta hiểu rõ rằng, thuở mới sinh, vào thời còn thơ bé chúng ta chưa vướng bận gì đến những sinh hoạt thế gian, tinh thần hồn nhiên thơ thới, sức khỏe tráng kiện, trí não sáng suốt, hơi thở điều hòa. Nhưng khi trưởng thành, cuộc sống bị chi phối, nhiều bận rộn và đầy lo lắng phiền não, làm cho chúng ta dần dần mất hẳn tính vô tư và hồn nhiên của thời thơ ấu. Đời sống tinh thần của chúng ta bị xáo trộn; chúng ta bị lôi cuốn theo nhịp sống tranh đua của thế gian, đầu óc căng thẳng, hơi thở suy yếu, hỗn loạn làm cho sức khỏe suy nhược, trí tuệ mê muội.
May mắn cho chúng ta vô cùng. Tạo Hóa dành cho chúng ta cái quyền được điều khiển bộ máy vô cùng linh thiêng (Tạo Hóa cho chúng ta quyền điều khiển hơi thở cho điều hòa. Điều khiển hơi thở tức điều khiển nhịp cầu mật thiết với quyền năng mầu nhiệm của vũ trụ. Điều chỉnh “Khí”) để nâng cao vai trò nối liền giữa chúng ta với vũ trụ mầu nhiệm. Chúng ta có được đặc quyền để tự mình điều khiển hơi thở để có được sức khỏe tráng kiện, trí tuệ sáng suốt. Nghĩa là chúng ta được ban cho cái quyền để chuyển cuộc đời Phiền Não thành Hạnh Phúc, chuyển Mê thành Giác, hay cải Phàm nên Thánh. Nếu hơi thở, cái sợi dây liên hệ giữa con người cùng vũ trụ được điều chỉnh để cho thân tâm thích nghi đặng hòa hài với nhịp điệu của vũ trụ thì quyền năng vi diệu nơi cái kho tàng vĩ đại trong thân xác nầy được vận hành chính xác (điều chỉnh hơi thở thì năng lực vi diệu nội thân tự nhiên được vận hành chính xác để hòa hài với vũ trụ vì vạn vật trong vũ trụ đồng nhất thể), tâm hồn chúng ta sẽ hồn nhiên, an vui như thuở mới sinh, trí óc sẽ thơ thới, sức khỏe tráng kiện và trí tuệ sẽ sáng suốt là chuyện rất tự nhiên.
Để có được sự hòa hài mật thiết cùng vũ trụ, hay hòa đồng với quyền năng mầu nhiệm của Trời Phật, chúng ta chỉ cần trở lại với sự hồn nhiên của trẻ thơ và thực hành cách hít thở nhịp nhàng giống như trẻ thơ mà thôi. Muốn đạt được cái trí tuệ viên minh như của Phật Tiên để có được chân hạnh phúc nơi trần gian nầy chúng ta chỉ cần thực hành cách hít thở rất tự nhiên của thời thơ ấu chứ không khó khăn hay huyền bí chi cả. Bản Tánh vi diệu của vũ trụ hay quyền năng mầu nhiệm của Trời Phật có sẳn trong ta, đang tiềm ẩn nơi nội thân của chúng ta. Chúng ta chỉ cần tái lập lại cái hơi thở mà ngay từ thuở còn bé chúng ta đã trải qua và thêm vào đó áp dụng kỹ thuật đóng mở hạ thước kiều cho đúng thời điểm để vận dụng năng lực vi diệu nơi nội thân để thân tâm dược an định thì sức khỏe sẽ tráng kiện, cuộc đời nầy sẽ đầy ý nghĩa, sẽ vô cùng an lạc, và trí tuệ sẽ vô cùng sáng suốt. Từ căn bản nầy chúng ta chỉ cần thực hành tích cực để cho Âm Dương điều hòa, Khí Thần mật thiết thì tâm sẽ Thanh Tịnh sẽ đồng cùng Tạo Hóa. Con người tuy bé nhỏ nơi thế gian nầy và vũ trụ mênh mông không có chi là ngăn cách cả. Tuy sống giữa trần gian mà tâm linh thể nhập cùng bản thể của vũ trụ thì vấn đề “Đắc Đạo”, “Đắc Nhất”, hay “Hiệp Nhất” nào đâu có khó chi! (Âm Dương hiệp nhất, Thần Khí giao hòa, hay Thủy Hỏa ký tế thì việc đắc Nhất, hay để thành Tiên, thành Phật chẳng khó khăn chi).
I: SỰ MẦU NHIỆM CỦA HƠI THỞ:
Hơi thở là sự sống của con người. Còn hơi thở thì con người chúng ta còn sự sống đầy linh động và còn trí tuệ. Mất hơi thở thì con người trở thành vật vô tri, trở về với cát bụi. Khi nào mà hơi thở, cái cầu giữa hữu hình và vô hình kia còn giữ vai trò nối liền giữa cái thân vật chất nầy với quyền năng vi diệu của vũ trụ thì tấm thân tứ đại của chúng ta mới tồn tại, chúng ta mới có sự sống đầy sinh động và có trí tuệ.
Sức khỏe và trí tuệ của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc vào hơi thở. Trong cuộc sống giữa thế gian đầy phức tạp nầy nếu chúng ta biết được phương pháp Hít Thở để điều hòa Thần Khí và nâng cao khả năng tiếp thu Năng Lực Mầu Nhiệm của vũ trụ, (Universal Energy, Universal Intelligence, Spirit of God…) để hòa hợp với kỹ thuật vận dụng Năng Lực Vi Diệu nội thân (Vital Force, Life Force) như các Đấng Giáo Tổ đã từng thực hành thì đời sống của chúng ta sẽ vô cùng an lạc, tiến bộ và trí tuệ của chúng ta sẽ vô cùng minh linh. Nghĩa là, chúng ta sẽ có sức khỏe tráng kiện, tinh thần an lạc và trí tuệ viên dung như chính Phật Chúa đã có được. Rất tiếc, phương pháp vi diệu được các Đấng Giáo Tổ từng thực hiện để có an lạc tự tại và trí tuệ minh linh, suốt mấy ngàn năm qua, các tôn giáo giữ kín (Secret Doctrine), chỉ truyền bá cho một phần nhỏ được chọn lựa rất kỹ trong giới tu hành mà thôi.
Gần đây, nhiều tổ chức trong các tôn giáo đem việc tu tập của ngày xưa (thiền định, tịnh luyện) ra phổ biến để làm phương tiện giúp mang đến an lạc và tiến hóa cho nhân loại. Như chúng ta từng chứng kiến, suốt nữa thế kỹ qua, giới khoa học cũng đã dấn thân nghiên cứu nghiêm túc về lợi ích của việc thiền định mà căn bản chính là phương pháp hít thở. Những kết quả của các công trình về thiền có lợi cho sức khỏe, trí tuệ được phổ biến trên các phương tiện truyền thông, trên báo chí, nó trở thành động cơ khuyến khích mọi người thực hành. Từ khi giới khoa học thật sự bắt tay cùng tôn giáo để làm sáng tõ sự lợi ích của các phương pháp thiền định và tịnh luyện là những đặc ân cứu độ của Tiên Phật nhờ đó mà trong buổi bình minh của Kỹ Nguyên Tâm Linh của nhân loại chúng ta thấy khắp mọi lãnh vực của cuộc sống đều có thực hành thiền định hay tịnh luyện chứ không riêng biệt và lác đác trong ngưỡng của tôn giáo như thuở nào.
Nhưng, trước phong trào phổ biến các phương pháp thiền định hay tu luyện của các tôn giáo chúng ta phải học hỏi những gì? và phải thực hành như thế nào để có kết quả cho sức khỏe và trí tuệ? Xin thưa ngắn gọn: Học và thực hành cái Phương Pháp Hít Thở trong đời sống hàng ngày. Tại sao? Vì đây là căn bản, là cốt lõi, là chân truyền của các phương pháp giúp cho thân tâm an lạc, sức khỏe tráng kiện, trí tuệ viên minh mà các Đấng Giáo Tổ đã thực hành để có được an lạc, tự tại và có được trí tuệ siêu xuất thế gian mà mãi cho đến ngày nay nhân loại vẫn tôn sùng.
Để tiếp tục hoàn thành sứ mạng tận độ chúng sanh mà các Đấng Giáo Tổ đã thực hiện từ ngàn xưa phương pháp tu tập để có sự sống an lạc, sức khỏe tráng kiện, trí tuệ siêu thoát tức pháp môn tu luyện bây giờ được Ơn Trên cho phổ biến ra, cho trưng bày ra để nhân loại nương đó mà tu hành gọi là “Phổ Độ”. Hành giả hữu duyên có thể nương theo Phương Pháp Hít Thở ở phần kế tiếp để thực hành hầu có được đời sống an lạc, tiến bộ, văn minh và đạo đức cho thỏa ước mơ. Mọi người đều dấn thân thực hiện để có được an lạc, đạo đức và tiến bộ thì chúng ta sẽ tạo nên một nền tảng vững vàng để xây dựng một thế giới thanh bình, hạnh phúc và toàn thiện, toàn mỹ.
II: TƯ THẾ KHI HÍT THỞ:
Khi thực hành Hít Thở ngồi là tư thế tốt nhất. Tuy nhiên, nếu có lý do, hay già yếu không thoải mái với tư thế ngồi thì có thể nằm. Sự thoải mái cho thân thể và đầu óc là điều rất quan trọng, nó giúp cho khí huyết dễ lưu thông và thần khí dễ giao hòa để cho việc hít thở có được kết quả cao.
Khi tập hít thở nên ngồi trên ghế hay trên giường để dễ vận dụng năng lực vi diệu nơi nội thân. Không nên ngồi trên sàn nhà để có được thoải mái giúp cho khí huyết lưu thông điều hòa. Ngồi trên ghế thì ngồi ở khoảng 1/3 phía trước của ghế, nghĩa là hai cái mông vừa đủ ngồi trên phần trước của ghế, tức khi ngồi lên ghế rồi thì phía trước của bụng đi thẳng xuống đất vừa đúng với bìa ngoài của ghế, như vậy là ngồi đúng cách. Thế ngồi nầy rất thoải mái và rất dễ dàng cho việc đóng hạ thước kiều (khu vực hậu môn) trong lúc thực hành Hít Thở nên hành giả nhanh chóng đạt được hiệu quả rất cao.
Để được thoải mái nên chọn ghế ngồi cho thích hợp để khi ngồi từ bắp vế đến đầu gối nằm song song với mặt đất. Nếu độ cao của ghế không chỉnh được, trường hợp ghế thấp, lót thêm đồ trên ghế, nếu ghế cao, lót thêm đồ dưới hai bàn chân cho thích hợp. Điều rất quan trọng là ngồi sao để trong suốt thời gian thực hành hít thở toàn cơ thể được thoả mái để cho khí huyết lưu thông dễ dàng. Nghĩa là ngồi sao mà lở có nhà cháy liền đứng dậy chạy được là điều rất tốt. Còn nếu ngồi mà khi xong thời thực tập đứng dậy liền không được thì rất tai hại cho sức khỏe. Thực hành thiền hay thực hành hít thở là nghệ thuật thư giãn thân tâm và điều hòa khí huyết để nâng cao sự hài hòa chân khí trong nội thân đặng tăng cường sự mật thiết giữa con người với thiên nhiên và vũ trụ, mà Thần Khí bị bế tắc thì không có lợi. Nếu việc bế tắc thần khí kéo dài lâu ngày sẽ sanh bịnh. Bịnh nầy giới tu hành hay ví von là “tảo hỏa nhập ma” do nơi thân thể không thoải mái, máu huyết bị bế tắc, thần khí không điều hòa trong suốt thời gian thiền. Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng ít được nhắc nhở đến. Xin hành giả để ý phần quan trọng nầy.
Khi ngồi đúng theo cách hướng dẫn xong, hai bàn tay để úp trên hai bắp vế cho thoải mái, rồi phải nâng người lên sao cho hai vai và đầu cao hơn bình thường vài ba inches (khoảng 5cm – 7cm) để cho xương sống được thẳng và được thoải mái, giúp cho Chân Khí lưu thông dễ dàng. Nếu không nâng người lên thì xương sống không thẳng. Sức nặng của phần trên cơ thể đè cả trên xương sống làm cho xương sống căng cứng, không thỏa mái, chân khí khó lưu thông. Lưu ý: Phải ngồi trong tư thế tạo cho xương sống được thoải mái. Đây là việc làm rất quan trọng trong việc thực hành Hít Thở để đạt được kết quả mong muốn.
III: THƯ GIẢN TRƯỚC KHI HÍT THỞ:
Vận động để cơ thể cho thư giãn là việc làm rất cần thiết, nó giúp cho việc thực hành hít thở có được kết quả cao. Thân thể có thư giãn thì khí huyết mới lưu thông dễ dàng, đầu óc mới thoải mái, thần khí mới điều hòa. Khi khí huyết lưu thông khắp châu thân đều đặn và thông suốt thì sức khỏe sẽ sung mãn. Khi đầu óc thoải mái thì hành giả sẽ dễ dàng điều khiển hơi thở để hòa hài cùng thiên nhiên nên khả năng tiếp thu năng lực của vũ trụ rất cao. Và, khi thần khí điều hòa thì năng lực vi diệu của nội thân sẽ hòa hài cùng năng lực vũ trụ, sức khỏe sẽ tráng kiện, trí tuệ sẽ minh linh.
Cách thư giãn 1: Sau khi ngồi xuống ghế như đã hướng dẫn, mặt ngó thẳng về phía trước rồi nhẹ nhàng quay mặt ngó về bên phải, vai cũng quay theo một góc độ khoảng hơn 90 độ (độ quay nầy tùy người, phải thoải mái, không rán), rồi từ từ quay trở lại vị trí củ. Tiếp tục quay ngược qua phía trái cũng giống như quay qua phía phải. Vậy là xong một hiệp. Tập động tác nầy ba bốn hiệp.
Cách thư giãn 2: Khi xong động tác thứ 1, ngồi ngay thẳng như đã hướng dẫn, mắt ngó thẳng về phía trước, từ từ cúi đầu về phía trước và khòm lưng xuống cho đến khi nào lưng hết cong xuống được thì từ từ ngước đầu ngược lên trở lại, tiếp tục nhẹ nhàng ưởng bụng ra phía trước, đầu từ từ ngã ra phía sau cho đến khi hết ưởng bụng ra trước được thì từ từ ngước đầu và thẳng lưng lên, trở về vị trí ban đầu. Vậy là xong một hiệp. Tập động tác nầy ba bốn hiệp.
Cách thư giãn 3: Khi xong động tác thứ 2, ngồi ngay thẳng như đã hướng dẫn, mặt quay qua phía phải khoảng 90 độ (vai chỉ quay khoảng 25 – 50 độ thôi, nhớ xoay đầu và vai cho vừa thỏa mái chứ không rán) rồi cúi thẳng đầu xuống đến khi nào hết cúi được, rồi từ từ ngước đầu lên và quay thẳng về vị trí củ ở phía trước. Tiếp đến, quay mặt qua phía trái rồi làm y như quay qua phía phải vậy. Như vậy là xong một hiệp. Tập động tác nầy ba bốn hiệp.
Cách thư giãn 4: Khi xong động tác thứ 3, ngồi ngay thẳng như đã hướng dẫn, mặt ngó thẳng về phía trước, nâng hai vai và đầu lên cao, vai nâng lên khoảng ngay mép tai rồi thả xuống. Khi nâng hai vai thì hai tay cũng nâng lên rồi thả xuống theo vai. Động tác nầy làm nhanh hơn các động tác khác. Tập động tác nầy ba bốn hiệp.
Cách thư giãn 5: Khi xong động tác số 4 ngồi ngay thẳng như đã hướng dẫn, mắt ngó thẳng về phía trước rồi ngước mặt nhìn lên trời (đầu ngữa về sau khoảng 50-60 độ, không rán) rồi bắt đầu quay mặt hướng qua phía phải, vừa quay vừa từ từ cúi đầu xuống để trở về giữa đến khi cằm gần đụng vào giữa ngực. Đến đây, cứ tiếp tục quay qua phía trái trong lúc đầu từ từ ngước lên và ngã về sau, mặt từ từ quay về giữa (lúc nầy đầu ngữa về sau khoảng 50-60 độ). Như vậy là được một vòng (hiệp). Cách quay nầy liên tục, nhẹ nhàng, từ từ để cho sống mũi vẽ thành một vòng tròn bằng cái tô ăn phở, như vậy là đúng. Tập động tác nầy ba bốn hiệp. Nếu có thì giờ quay ngược chiều thêm ba bốn hiệp để được thỏa mái hơn.
Lưu ý: Các cách thư giãn nầy cần tập trước khi tập hít thở. Sau khi thực hành các cách tập nầy cơ thể được thư giãn, tinh thần được thoải mái, hành giả bắt đầu việc thực tập hít thở. Không bắt buộc phải tập các cách thư giãn theo thứ tự. Nếu muốn có thể thay đổi thứ tự và có thể thay đổi (điều chỉnh) cách thư giãn để được thoải mái và thích nghi với sức khỏe.
Hành giả nào trong công việc hàng ngày mà tay chân, đầu cổ và toàn thân vận động thường xuyên thì khỏi phải tập các động tác thư giãn nầy. Có thể chọn một vài cách tập để giúp thư giãn những vùng cơ thể ít vận động trong ngày mà thôi. Nếu hành giả hàng ngày vận động thường xuyên và thân tâm thoải mái thì trước khi tập nên hít thở 4-5 hơi cho thật sâu, thật lâu để đầu óc và thân tâm thoải mái. Qúi vị nào làm việc văn phòng, hay trong công việc mà trong ngày thân thể ít vận động thì nên tập thêm các cách thư giãn trong những lúc rảnh rỗi. Đi bộ, bơi lội hay tập thể dục, tài chi, khí công v.v… rất qúi đối với những hành giả mà hàng ngày ít vận động toàn thân.
IV: ĐIỀU CẦN BIẾT TRONG KHI HÍT THỞ:
Khi đã trải qua các cách thư giãn nên ngồi trở lại bình thường (thông thường, ngồi bình thường thì xương sống hơi cong). Ngồi xong cần nâng hai vai và đầu lên chừng 5cm – 7cm. Làm như vậy để giúp cho cả xương sống và càng cổ được thỏa mái như đã có nói ở trên. Mắt nhắm lại khoảng 90% (nhắm hi hí, nhắm không thấy rõ) trong suốt thời gian thực hành hít thở. Đầu hơi cúi về phía trước để khi mắt nhắm 90% chỉ thấy khu vực bắp vế mà thôi.
Khi thực tập hít thở nên chọn chổ im lặng, thoáng khí và trong lành, và tránh những tiếng động thình lình làm giựt mình do bên ngoài đưa đến. Nên ngồi trước bàn thờ thờ Phật, Chúa, hay bàn thờ Tổ Tiên v.v. để được nhiều ân điển hơn. Nên chọn chổ ngồi cố định, và thì giờ thực tập cũng cố định để có nhiều kết quả. Cần phải mặc y phục rộng rãi, thoải mái, lưng quần phải nới lỏng. Phải luôn luôn thực tập trong lúc bụng đói (trước khi ăn nhưng bụng đói lăm thì không tốt. Sau khi ăn 2 giờ thì rất lý tưởng.).
Khi nào thực hành hít thở cũng phải đóng thượng thước kiều, tức lưởi phải cong lên và đụng vào đóc họng ở trên, răng kín, môi kín. Đóng thượng thước kiều thì nước miếng sẽ từ từ tiết ra. Cứ chờ cho đến khi đầy miệng rồi sẽ nuốt xuống. Nước miếng tiết ra trong lúc thực hành hít thở (hành thiền) rất qúi, nó được giới tu hành cho đó là Tân Dịch, Thần Thủy, Cam Lồ… rất có lợi cho sức khỏe và tâm trí. Khi nuốt nước miếng thì nên nuốt cho mạnh cho kêu để có nhiều hiệu quả hơn. Lưu ý: Qúy vị già yếu, sức khỏe suy kém hay người đang bịnh tật cần thảo luận cùng bác sĩ gia đình trước khi thực tập phương pháp hít thở.
V: CÁC GIỜ THỰC HÀNH HÍT THỞ:
Tý. Giửa 11 – 01 giờ đêm
Ngọ. Giửa 11 – 01 giờ trưa
Mẹo. Giửa 05 – 07 giờ sáng
Dậu. Giửa 05 – 07 giờ chiều
Thời lượng mỗi giờ thực hành hít thở (thiền) tùy nghi. Mới tập từ 20 phút đến 40 phút. Hành giả tự chọn lựa thời lượng sao cho thích hợp với đời sống, sinh hoạt và sức khỏe. Khi đã thuần thành từ từ kéo dài thời gian thực tập được 1 giờ thì rất tốt.
Cách hít thở giữa các giờ thực tập vẫn y nhau. Nhưng tùy theo giờ thực tập mà thời điểm đóng mở hạ thước kiều có khác nhau. Điều quan trọng là Hơi thở phải lâu, sâu, thật nhẹ nhàng và thật nhịp nhàng suốt trong thời gian thực tập thì mới có hiệu quả. Nếu không chú tâm điều khiển hơi thở cho lâu, cho nhịp nhàng, đều đặn và đóng mở hạ thước kiều cho đúng thời điểm trong suốt thời gian hít thở thì tâm sẽ vọng động, hơi thở bị rối loạn, sẽ không có kết quả.
Khi luyện tập hít thở hành giả phải đóng mở hạ thước kiều để nối liền Nhâm Đốc mạch cho nhịp nhàng với hơi thở. Đây là bí quyết để vận dụng năng lực vi diệu nội thân và điều hòa Âm Dương, Thần Khí để Hậu Thiên trở lại Tiên Thiên. Khi hít hơi vào vận hành chân khí theo đường Nhâm mạch, đi xuống, dọc theo phía trước bụng. Khi thở hơi ra vận hành chân khí theo đường Đốc mạch, đi lên, dọc theo đường xương sống, sau lưng. Khi luyện tập cần chú tâm điều hòa việc hít thở cho nhịp nhàng, và tùy theo giờ thực tập, phải đóng mở hạ thược kiều cho đúng thời điểm để Âm Dương điều hòa, Thần Khí hiệp Một. Đây là then chốt của phương pháp hít thở.
VI: THAY ĐỔI GIỜ THỰC HÀNH:
Cơ thể của con người rất hài hòa và mật thiết với vũ trụ. Tùy theo giờ mà sự hòa hài giữa cơ thể cùng vũ trụ có những thay đổi và khác biệt. Để việc vận dụng năng lực vi diệu nơi nội thân được hiệu quả, thời điểm đóng mở hạ thước kiều vào các giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu khác biệt nhau. Hành giả phải theo đúng hướng dẫn, đóng mở hạ thước kiều cho nhịp nhàng với hơi thở và phải đúng theo thời điểm của từng giờ. Hai điều quan trọng nầy phải thực hành cho đúng thì việc tiếp thu năng lực của vũ trụ (Universal Energy, Universal Intelligence, Spirit of God…) và kỹ thuật vận dụng năng lực vi diệu nội thân (vital Force, Life Force, Inner Energy) mới giúp cho việc nâng cao sức khỏe và trí tuệ có kết quả cao.
Vào các giờ: Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu cơ thể con người có những thay đổi để hòa hài với thiên nhiên nên thực hành hít thở vào các giờ nầy kết quả rất cao. Đặc biệt, muốn đạt được kết quả cao trong giờ Tý thì khoảng 9 giờ tối nên đi ngủ để thức dậy thực tập vào giờ Tý, rồi sáng đến thực tập vào giờ Mẹo thì hành giả sẽ đạt được kết quả rất nhanh chóng.
Trong trường hợp, vì sinh hoạt hay bận rộn phải thức khuya, đến nữa đêm mới ngủ thì hành giả nên bỏ cách tập vào giờ Tý (không nên tập theo cách tập vào giờ Tý), chỉ tập theo ba thời Mẹo, Ngọ và Dậu mà thôi. Nếu vì công việc phải ngủ trể thường xuyên, cho đến nữa đêm mới đi ngủ thì hành giả nên tập cách tập của giờ Dậu trước khi đi ngủ. Phải đổi giờ tập như vậy vì, nếu phải thức khuya đến 12 giờ đêm mà cứ tập theo cách tập của giờ Tý thì không có hiệu quả và có thể ảnh hưởng trái ngược. Nếu thắc mắc xin liên lạc để được hướng dẫn.
VII: THỜI ĐIỂM THỰC HÀNH HÍT THỞ:
GIỜ MẸO:
Sau khi thức dậy và thực tập các cách thư giãn xong bắt đầu hít vào bằng mũi từ từ và nhẹ nhàng. Khi hít vào khoảng ½ dung tích của phổi (khoảng ½ thời gian hít vào) thì thót bụng vào tức thót khu vực hạ đơn điền để nhíu hậu môn, bụng vẫn cứ thót lại tức hậu môn vẫn đóng và cứ tiếp tục hít vào cho đến khi đầy phổi (bụng phình ra), rồi từ từ thở ra, khoảng nữa hơi thở ra mới nhả hậu môn ra (ngưng nhíu) và tiếp tục thở ra cho hết hơi trong phổi là xong một chu kỳ hít thở. Sau đó lại tiếp tục hít thở như trên cho đến khi xong thời tập luyện.
Khi hít vào buổi sáng cần có cảm giác hân hoan được đem Năng Lực của vũ trụ nuôi dưỡng cả thân tâm. Khi thở ra cũng cần có cảm giác chúng ta đang vận dụng điển quang thiên nhiên để giãi phóng mọi trọng trược cho thân tâm và hóa giãi mọi bế tắc, phiền não cho cả muôn loài vạn vật.
GIỜ NGỌ:
Vào giờ Ngọ chỉ cần hít thở bình thường, nhẹ nhàng, hơi thở cho dài, sâu và thật nhịp nhàng để nâng cao năng lực cho cơ thể và làm cho thân tâm được thoải mái. Khi hít thở cần trụ tâm trong việc hướng dẫn hơi thở vào ra theo Nhân Đốc mạch cho được điều hòa để an trụ tinh thần nâng cao năng lực cho cơ thể. Để tâm trí thanh tịnh và có được cảm ứng tích cực cùng Thiêng Liêng hành giả có thể niệm danh hiệu: Đức Phật hay Đức Chúa v.v… Khi niệm danh hiệu các Đấng thì hành giả nên giữ cho lời niệm và hơi thở cho nhịp nhàng với nhau trong suốt thời gian hít thở nếu không thì không kết quả.
GIỜ DẬU:
Vào buổi tối, trước khi đi ngủ sớm, ngay khi bắt đầu hít vào thì đóng hậu môn lại tức thót bụng lại rồi tiếp tục hít vào. Cứ tiếp tục hít vào và nhíu hậu môn cho đến khi dưỡng khí đầy phổi. Đến khi bắt đầu thở ra thì thả hậu môn ra (không nhíu) như bình thường. Thở ra từ từ cho đến khi nào hết hơi (cứ thở ra tự nhiên, cho hết hơi, cho đến khi thấy cần hít vào thì cứ hít vào). Sau đó tiếp tục hơi thở khác. Cách tập nầy phải tập một thời gian mới quen.
Trong khi thực tập vào giờ Dậu, khi hít vào cần có cảm giác đang đem Năng Lực của Vũ Trụ (Tiên Thiên Khí) vào nuôi dưỡng cả châu thân và khai thông mọi bế tắc, điều chỉnh mọi lệch lạc. Khi thở ra cũng cần có ý tưởng rằng điển quang thanh nhẹ mà chúng ta tiếp thu để điều hòa khắp cả châu thân và thanh lọc cơ thể cũng đang vận hành trong muôn loài vạn vật để hóa giãi mọi phiền não và nghiệp chướng cho tất cả chúng sanh.
GIỜ TÝ:
Giờ Tý hít vào nhẹ nhàng lâu dài như các giờ khác. Hít vào đến khi nào không khí đầy phổi. Khi bắt đầu thở ra thì thót bụng lại tức nhíu hậu môn lại và tiếp tục nhíu hậu môn cho đến cuối hơi thở ra thì ngưng nhíu hậu môn. Xong một hơi thở tức xong một chu kỳ hít vào và thở ra thì tiếp tục đến hơi thở khác. Phải hít thở cho thật nhẹ nhàng, cho sâu và nhịp nhàng, đều đặn trong suốt thời thực tập. Khi hít vào cần có cảm tưởng như chúng ta đang đón rước chư Phật chư Tiên lai giáng đàm đạo cùng chúng ta. Khi thở ra chúng ta đem Tam Bửu thanh lọc được trong tiến trình tu luyện (công đức tạo được) dâng hiến chư Phật chư Tiên và thỉnh chư Tiên chư Phật về nước Thiên Đàng (về ngay trung tâm đầu nảo) để cùng ta đàm Đạo, để học những phép mầu đặng lo giúp đời.
Để có được giao cảm mật thiết cùng Thiêng Liêng, những chuyện mà chúng ta muốn đàm đạo cùng Phật Tiên phải hoàn toàn vong kỷ vị tha, phải là việc làm vì tiến hóa, vì tha nhân, vô vị lợi, vô kỷ, vô công, vô danh. Nếu trong tâm tư còn có ý niệm vì danh lợi, vì riêng tư thì không có kết quả mà còn gặp khó khăn khảo đão. Hành giả cần phải thận trọng vấn đề nầy. (Khi chúng ta có đủ công đức và thanh tịnh thì tự nhiên sẽ cảm ứng cùng chư Phật Tiên. Các Đấng Thiêng Liêng sẽ lui tới để dạy cho chúng ta Phép Mầu, trao cho chúng ta ân phước để cứu độ chúng sanh. Chúng ta là người có nhiều duyên với chúng sanh chứ Phật Tiên ít có duyên như chúng ta nên qúi Ngài muốn cứu độ nhân loại rất khó. Tiên Phật muốn cứu độ chúng sanh phải giáng thân hay phải dụng quyền năng mầu nhiệm mới được. Trong Kỹ Nguyên Tâm Linh ngày nay, mọi người đều có thể đóng góp khả năng vào mục đích xây dựng thế giới an lạc, tiến bộ và đạo đức. Hành giả quyết chí tu hành, quyết tâm phục vụ nhơn sinh thì sẽ được hộ trì của Ơn Trên. Đã nguyện phục vụ tha nhân mà nếu thiếu lòng từ bi thì sẽ gặp nhiều thử thách cam go. Đây là lẽ tự nhiên. Khi dấn thân trên con đường tu thì sẽ biết rõ luật công bình và quyền năng thưởng phạt mầu nhiệm của Tạo Hóa chứ suy đoán thì còn nhiều khiếm khuyết lắm.)
VIII: VÀI ĐIỀU LƯU Ý QUAN TRỌNG:
1) Mọi thành phần và mọi tuổi tác, bất cứ ai tập hít thở theo cách hướng dẫn trên rất tốt. Khi hít thở chỉ để tâm điều khiển việc hít thở thôi, không suy nghĩ bất cứ việc gì cả. Hít thở theo cách hướng dẫn thực tập trong lúc cơ thể thư giãn tốt hơn tập thể dục rất nhiều. Nó giúp thân tâm thoải mái và tiết kiệm năng lực nên cơ thể tráng kiện, tinh thần hưng phấn, trí tuệ sáng suốt. Tuổi trẻ thực tập trong vòng vài tuần sẽ thấy rõ. Tuổi từ 15-25 chỉ tập trong một hai tuần sẽ thấy rất rõ. Tuổi từ 25-40, có gia đình tùy theo cách sống, nếu tập thường xuyên sẽ thấy tăng cường năng lực, đầu óc thỏa mái trong vòng 3-5 tuần. Tuổi cao hơn thì tùy cách sống cách tu tập nhiều ít mà kết quả nhanh chậm khác nhau. Muốn có kết quả nhanh chóng mà trường hợp đặc biệt không thể tập đủ 4 lần mỗi ngày thì phải tập tối thiểu 2 lần mỗi ngày, trung bình khoảng 30 phút, sáng và chiều (Mẹo và Dậu. Hai giờ nầy rất lợi cho cơ thể).
2) Những người muốn đạt đến cứu cánh giác ngộ thì phải tự nguyện với chính mình, với Lương Tâm (Phật tại Tâm. Tâm mình là đền đài của Thượng Đế) phải luôn luôn sống trong khuôn khổ đạo đức; mọi hành vi cử chỉ của cuộc đời đều vì sự tiến hóa tâm linh và vì lý tưởng phục vụ cho Chân Thiện Mỹ mà thôi. Mọi riêng tư cá nhân, gia đình đều phải hạn chế, xem tất cả đều là đối tượng cần phục vụ, không phân biệt thân sơ, ta người, không ranh giới ngăn chia, tất cả mọi người trên thế gian đều là anh em, con một Cha. Có nguyện lực như thế và nhất tâm hành trì theo phương pháp hít thở một thời gian thì sẽ có sự hộ trì và hướng dẫn của Thiêng Liêng, sẽ có những mầu nhiệm cụ thể để có đủ tin tưởng đặng có đủ nghị lực để tinh tấn hầu đạt đến cứu cánh giác ngộ.
Những hành giả muốn giải thoát tâm linh, thoát khỏi luân hồi sanh tử mà không hội đủ quyết tâm và ý chí để phục vụ cho mục đích Chân – Thiện – Mỹ, và thiếu nghị lực để dấn thân trọn vẹn trên con đường tu tập để giãi thoát luân hồi sanh tử, hay thiếu nguyện lực để thực hiện đạo đức chân chính của người tu thì rất khó đạt được kết quả. Nếu thiếu quyết tâm tu tiến và phục vụ tha nhân thì trên đường tu sẽ gặp những khảo đão vì tất cả đều bị chi phối bởi luật nhân quả và lẽ công bình của trời đất.
Những hành giả xét thấy chưa có đủ quyết tâm thực hiện đúng những điều căn bản nêu trên thì hãy hít thở theo cách hướng dẫn để có được sức khỏe tráng kiện, tinh thần thỏa mái và đầu óc sáng suốt để từ từ tinh tấn. Thở hít theo cách hướng dẫn nói trên, khi thực hành thở hít cũng cần giữ tâm yên lặng. Khi hít vào biết mình đang đem năng lực sống mầu nhiệm của vũ trụ vào nuôi dưỡng thân thể để cho thân thể tráng kiện tâm trí sáng suốt. Khi thở ra chúng ta biết rằng chúng ta vừa được tiếp dưỡng năng lực của vũ trụ để khai thông những bế tắc và làm cho thanh khiết thân tâm, giúp cho sức khỏe tráng kiện, trí tuệ sáng suốt. Và, trong khi ấy hành giả cần có cảm giác rằng năng lực mầu nhiệm của vũ trụ mà chúng ta tiếp thu cũng đang tác động trong khắp cả càn khôn để hóa giãi mọi bế tắc cho muôn loài vạn vật.
Ở tầng bậc cao hơn, dành cho hành giả quyết tâm tu cầu giác ngộ tâm linh như đã đề cập đến cũng phải qua phần căn bản đã hướng dẫn. Cách hít thở để giãi thoát tâm linh không mấy khác với phần căn bản của phương pháp hít thở đã trình bày. Điều quan trọng, khi quyết tâm tu cầu giác ngộ tâm linh, hành giả cần phải có đại nguyện lực phục vụ vì mục đích Chân Thiện Mỹ vì tha nhân. Hể có khao khát giãi thoát, có đại nguyện phục vụ cho Chân Thiện Mỹ, có tinh thần vô kỷ, vô công, vô danh thì tự nhiên có sự cảm ứng, sẽ có sự hộ trì mầu nhiệm của Thiêng Liêng và sẽ có sự tới lui thường xuyên của Ơn Trên để chỉ dạy những điều cần thực hiện, những việc cần làm. Tùy theo chí hướng và nguyện lực của hành giả mà có sự cảm ứng vậy thôi. Trời Phật công bình lắm. Hể có Nhân tức có Quả, có Cảm tức có Ứng, có Action tức có Reaction, có Cause tức có Effect. Qui luật bất di bất dịch của càn khôn vũ trụ là như thế, đơn giãn như thế mà thôi. Phật Trời từ bi chỉ dạy pháp môn giãi thoát cho chúng ta tu hành để trở về với bản tánh tự tại (trở về với bản tánh vi diệu có sẳn trong chúng ta. Trở về với cái kho tàng vi diệu mà cha mẹ chúng ta đã trao cho chúng ta từ thuở ban đầu của bào thai) chứ Trời Phật không vì thương xót mà bồng ẳm chúng ta về cõi Thiên Đường.
*******************************************************************************
TÓM TẮT SỰ QUAN TRỌNG CỦA HÍT THỞ VÀ DINH DƯỠNG:
Hít Thở và dinh dưỡng là hai yếu tố rất cần thiết cho đời sống, không thể nào thiếu nó mà con người có thể tồn tại.
Hít Thở là nhịp cầu tiếp Thu Năng Lực Vô Hình của vũ trụ (Ân Điển của Trời Phật, Điển Quang của Thượng Đế, Invisible Energy, Universal Energy, Universal Intelligence, the Spirit of God…) để nuôi dưỡng thân tâm. Trong vũ trụ nầy vô hình hay hữu hình đều phát xuất từ một Gốc, đều cùng chung một Bản Thể, đều được vận hành bởi một Nguyên Lý duy nhất. Vì thế, tất cả trong vũ trụ đều liên hệ và hổ tương với nhau rất mật thiết. Nếu chúng ta không tiếp thu năng lực vô hình mầu nhiệm của vũ trụ thì chúng ta sẽ không có trí tuệ sáng suốt và thân xác nầy sẽ không tồn tại. Khi mất đi sự mật thiết với quyền năng vũ trụ qua tiếp thu của hơi thở (ngưng thở) thì chỉ trong vòng vài phút chúng ta sẽ chết chứ không thể nào sống được.
Dinh dưỡng là tiếp thu thực phẩm để nuôi dưỡng thân xác làm nền tảng vững vàng cho tinh thần. Dinh dưỡng để tồn tại chính là nguyên lý vạn vật hổ tương mật thiết được thể hiện một cách rất cụ thể qua tiếp thu thực phẩm để tồn tại. Tùy theo thực phẩm chúng ta tiếp thu mà năng lực hổ tương cho sức khỏe và trí tuệ có cao thấp khác biệt nhau. Chúng ta cần chọn lựa thực phẩm cho thích hợp với nhu cầu của cơ thể, không tác hại đến sự sống của vạn vật và phải hợp với luật công bình của Tạo Hóa thì sức khỏe mới tráng kiện, trí tuệ mới sáng suốt. Đặc biệt, hành giả có tâm nguyện tu cầu giãi thoát cần hiểu rõ nguyên lý vạn vật hổ tương nhau để tồn tại. Thực phẩm mà hành giả tiếp thu hằng ngày cần chọn lựa cho hợp với đời sống tâm linh, phải tránh những ảnh hưởng đến sự sống, nhất là động vật.
Tiến Sĩ Lê Vĩnh Tuấn và Cư sĩ Nhất Tịnh