Tu tập Thiền tập trung chú ý vào hơi thở nơi bụng là phương pháp diệu dụng nhất để định tâm mà nhiều tông phái Thiền môn đã thực hành. Nói đến hơi thở nơi bụng là có liên quan đến khí và đan điền. Khí và Đan điền là ý niệm xuất phát từ thuật khí công và dưỡng sinh của Đạo gia. Để có một ý niệm rõ ràng, chúng ta hãy tìm hiểu thế nào là Khí và Đan Điền.
Khí là nguồn năng lực sống của con người. Khí luân lưu khắp cơ thể qua các đường kinh mạch, vào lục phủ ngũ tạng. Khí biểu hiện qua hai dạng vật chất và tinh thần, nhưng mắt ta không nhìn thấy được.Đừng nhầm lẫn khí và không khí. Khí là năng lượng (prana), còn không khí là khí trời (air), là nguồn oxygen cho ta thở hít.Mỗi người sinh ra đều có sẵn một lượng khí nhất định, nhiều ít tùy theo từng người. Đó là khí thụ hưởng từ cha mẹ, còn gọi là khí Tiên Thiên. Khi sinh ra rồi thì con người tiếp thụ khí từ bên ngoài vào qua sự hô hấp khí trời, đồ ăn thức uống, ánh sáng, môi trường v.v… Đó là khí Hậu Thiên. Khí Tiên Thiên và Hậu Thiên hợp lại làm thành sinh khí, là năng lượng sống của con người. Khí là nguồn sống của chúng ta, có khí thì sống, không có khí thì chết.
Khí không chỉ tồn tại bên trong cơ thể mà còn tỏa ra ngoài cơ thể, tạo một dạng không gian đặc biệt bao quanh cơ thể mà người ta thường gọi là “hào quang”.v.v.. Cái khí bao quanh một con người cũng biểu hiện tâm lý của người đó, vui hay buồn, thiện hay ác v.v..
2- KINH MẠCH VÀ HUYỆT ĐẠO: NƠI KHÍ LƯU CHUYỂN TRONG CƠ THỂ
Kinh mạch là những con đường dẫn khí luân chuyển vận hành trong cơ thể. Huyệt là những điểm đặc biệt trong cơ thể ở đó khí có thể tích tụ và phát tán đi. Kinh mạch và huyệt không thể thấy được, nhưng có thể cảm nhận được qua sự tác động của khí vào các tế bào thần kinh.
Các điểm trên cơ thể mà ở đó khí ở trong và khí ở ngoài cơ thể có thể lưu thông được với nhau gọi là “huyệt”. Nghiên cứu y học hiện đại cho thấy: vị trí của các huyệt trên cơ thể thường là đầu mối của các dây thần kinh và mạch máu.
3- HUYỆT ĐAN ĐIỀN LÀ GÌ?
Đan Điền là nơi tập trung khí lực nhiều nhất trong cơ thể. Có 3 loại đan điền:
– Thượng đan điền: ở nơi huyệt ấn đường, giữa hai lông mày trên trán, còn gọi là “đan điềnThần”. Luân xa 6
– Trung đan điền: ở nơi huyệt đản trung, ở trung điểm của đường thẳng ngang ngực, còn gọi là “đan điền Khí”. Luân xa 4
– Hạ đan điền: nơi huyệt khí hải trên đường chính trung dưới rốn khoảng 3cm, nằm ở giữa và phía trên bụng dưới, còn được gọi là “đan điền Tinh”. Luân xa 3
Theo quan niệm đông y, Tinh, Khí Thần là căn bản, là cỗi rễ sự sống của con người, và trong Đạo giáo còn được gọi là “Tam Bảo” của con người.
Tinh được chia làm Tinh tiên thiên và Tinh hậu thiên. Tinh tiên thiên là thể chất cốt lõi ta thừa hưởng từ cha mẹ, mang nhiều tính di truyền như gene. Tinh hậu thiên là những gì ta hấp thụ từ Trời Đất như đồ ăn, thức uống v.v.. và được tinh lọc, điều chế thành những kích thích tố trong cơ thể như hormones, các loại enzymes, chất truyền thần kinh, các tinh dịch v.v.. để duy trì và bồi đắp cho sự tiêu hao của Tinh tiên thiên. Tinh tiên thiên và Tinh hậu thiên giao hòa, gọi là Tinh Khí. Tinh khí được coi như tích tụ tại Thận.
Khí, như trên đã nói ở trên, là năng lượng tràn ngập trong cơ thể, ở khắp các tế bào, các mạch máu, kích thích sự hoạt động của tất cả các cơ quan nội tạng của chúng ta. Khí tiên thiên được chuyển biến từ tinh khí trong tuyến thượng thận, làm thành Chân Khí, hay nguyên khí. Chân khí được coi như tích tụ nhiều nhất tại huyệt Đan Điền ở bụng (khí hải).
Thần là phần tinh anh, hay tâm linh của con người. Thần cũng được chia làm hai loại: thần tiên thiên và thần hậu thiên. Thần tiên thiên còn được gọi là nguyên thần, là nguồn ánh sáng nguyên thủy làm nền tảng cho sự hiện hữu của chúng ta, có sẵn nơi con người nhưng không sinh diệt theo sự sinh diệt của con người. Theo một số đạo giáo, đó gọi là linh hồn bất tử – đạo Phật gọi là Phật tánh. Thần tiên thiên không thể thấy được, mà chỉ được cảm nhận khi đạt đến một trình độ tâm linh nào đó. Thần hậu thiên được biểu hiện qua những tư tưởng, cảm giác, cá tính, cũng như các trạng thái tâm của con người. Thần hậu thiên được coi như tích tụ nhiều nhất ở não.
4- HƠI THỞ ĐAN ĐIỀN
Thở đan điền là hít thở sâu, cho có cảm tưởng là hơi thở xuống dưới bụng và từ đó tống thán khí đi lên theo nhịp lên xuống (phình lên, xẹp xuống) của bụng.
Tuy nhiên, có một số quan niệm bác bỏ sự hiện diện của đan điền, cho đó chỉ là một ý niệm của Đạo gia không có cơ sở khoa học. Vả lại, cơ quan duy nhất để hô hấp khí ra vào là phổi, chứ không phải là bụng được. Như vậy tại sao khi ta hít thở sâu bụng lại phồng lên hay xẹp xuống? Điều này được giải thích là trong khi hít thở sâu, không khí được đưa xuống phần dưới sâu của hai lá phổi, tạo một sức ép trên hoành cách mô, tức là màng bắp thịt chia cách lồng ngực và bụng, khiến cho hoành cách mô hạ xuống, tạo một khoảng trống giữa hoành cách mô và phần dưới của hai lá phổi. Lúc đó những túi nhỏ khí bào ở vùng dưới hai lá phổi phải dãn nở tối đa để tồn trữ được một số lượng dưỡng khí lớn thay vào chỗ thán khí bị loại bỏ ra ngoài. Đồng thời, áp suất của hoành cách mô trên bụng dưới khiến các máu dư đang ứ đọng trong các nội tạng và màng ruột được ép dồn vào các tĩnh mạch, và kích thích thần kinh thái dương, khiến tâm trí trở nên yên tĩnh.
Khi thở ra, hai lá phổi co thắt lại dần dần, làm sức ép của hoành cách mô bị mất ảnh hưởng, rồi hoành cách mô bật hướng lên theo sức đàn hồi tự nhiên. Đồng thời, tạo nên một sức đẩy hướng thượng tác động vào phần đáy của hai lá phổi, tạo sức ép tống khứ không khi nhơ bẩn ứ đọng từ dưới đáy phổi ra ngoài.
Hít thở sâu là cách thở tự nhiên, không cần phải cố công tạo ra, chỉ cần tập trung ý thức hơi thở vào nơi bụng thì hơi thở sẽ nhẹ dần đi, khí lực được dồn về gốc nên sung mãn, làm âm dương quân bình, máu huyết lưu thông, sức khoẻ cải thiện, thân tâm an ổn.
5- BÀN VỀ TÂM VÀ [LÒNG]
Chúng ta thường dùng chữ “tâm” để chỉ cho nơi khởi lên những ý tưởng, cảm xúc, tính tình v.v…, nhưng người Việt Nam từ xưa đã dùng chữ “lòng” để nói đến điều ấy. Ví dụ như “Lòng mẹ, lòng người v.v.. ” ngay cả dùng chữ “bụng” để nói đến sự thông minh hay tính tình “sáng dạ” hay “tối dạ”, “xấu bụng” “tốt bụng” v.v.. Nếu dịch chữ “tâm” theo tiếng Hán thì “tâm” tức là “tim”, và trong tiếng Việt “tim” phần nhiều nói đến bộ phận tim trong cơ thể, có tính cách giới hạn nhiều hơn. Trong khi đó chữ “lòng” có một ý nghĩa rộng rãi hơn, ví dụ khi dịch chữ “thiện tâm” thì chúng ta dùng chữ “lòng tốt” đúng hơn là “tim tốt”.
Theo âm dương ngũ hành thì Bụng thuộc về Thổ, tức là đất. Trời thì vô hạn, đất thì bao la. Nhưng đất bao giờ cũng là cái nền vững chắc, từ đó mọi vật sinh ra và mọi vật trở về. Bụng hay đan điền được coi như ruông điền của khí lực, nơi tàng trữ chân khí, là nguồn sống của con người. Trong Đạo gia, huyệt đan điền được coi là cái “lò luyện đan” để chuyển hóa chân khí, đưa đến sự cải lão hoàn đồng, trường sinh bất tử. Khi trụ tâm nơi bụng, quán năng lượng tập trung tràn đầy nơi đan điền, dần dần sẽ có một luồng khí nóng tỏa ra nơi bụng và lan dần lên sống lưng. Đó là nguồn sinh lực đã được sưởi ấm và tái tạo. Theo Đạo giáo thì đó là đem lửa từ tim xuống giao hòa với nước ở thận, làm quân bình âm dương, theo kinh Dịch gọi là “Thủy Hỏa Ký Tế”. Đó cũng là phương pháp Nội Quán mà thiền sư Bạch Ẩn đã học được từ một vị tiên nhân để chữa trị căn bệnh thiền do dụng tâm quá độ gây nên. Và khi trụ tâm nơi bụng sẽ kích thích một sự thấy biết trực tiếp mà trong đạo Phật thường gọi là Tánh Giác, cũng được biết như là “trực giác”.
Người Tây phương cũng nói đến “gut”, là điểm trung tâm của thân, nằm giữa bụng nơi rún, cho đó là trung tâm năng lượng và trực giác. Người ta có thể cảm nhận điều đó khi đứng trước một cảnh tượng nào đó cảm thấy xốn xang nơi bụng trước khi tư tưởng khởi lên. Hoặc khi phải đối phó với một điều gì đó, cái “phản ứng ở bụng” (gut reaction), hay là “Câu trả lời từ bụng” (gut response) trước khi có những ý kiến hay quan niệm xen vào, bao giờ cũng chứng tỏ là những điều đúng nhất. Tập trung chú ý nơi bụng có thể khai mở một khả năng thấy biết siêu nhiên (psychic abilities) do sự phát triển trực giác.
Tánh Giác là bao la, là gốc của các căn thức, bao trùm tất cả những cái biết riêng biệt của giác quan, nên không cần phải nhìn bằng mắt cũng có thể thấy, không cần phải nghe bằng tai cũng có thể nghe. Vì vậy, các thiền sư thường dạy phải luôn trụ tâm nơi bụng, niệm Phật cũng ở nơi bụng, cho đến những cái thấy cái nghe của giác quan cũng đều trụ nơi bụng. Và khi trụ trong tánh giác, tuy vẫn thấy nghe cảm biết nhưng vẫn tách rời khỏi những điều thấy nghe cảm biết đó, không bị chìm đắm hay vướng mắc nơi chúng.
Trong kinh Kim Cang, Đức Phật trả lời câu hỏi của Tu Bồ Đề về cách hàng phục tâm rằng: “Bồ Tát hàng phục tâm bằng cách đem hết tất cả chúng sanh các loài vào vô dư Niết Bàn để diệt độ.” Điều đó cũng có thể hiểu như là “người giác ngộ hàng phục tâm bằng cách đưa hết các niệm dấy khởi vào chỗ không lặng”. Chỗ không lặng hay Vô Dư Niết Bàn phải chăng chính là khoảng trống bao la của Đất Mẹ ở bụng, nơi đan điền dung chứa nguồn sinh lực tập trung của chúng ta? Và đó cũng là cách hàng phục tâm thiết thực nhất mà những người tu Thiền đã áp dụng từ bao ngàn năm nay.
CHỈ QUÁN TỌA THIỀN
Chỉ Quán Tọa Thiền là pháp môn tu thiền điển hình áp dụng sự tập trung tâm ý nơi đan điền, được khai triển một cách hệ thống, đem lại rất nhiều lợi lạc. Chỉ Quán Tọa Thiền còn gọi là “Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu”, do Đại sư Trí Giả biên soạn. Đại sư Trí Giả là Tổ thứ tư của Tông Thiên Thai. Thầy của ngài là Nam Nhạc. Thầy của Nam Nhạc là Huệ Văn. Thầy của Huệ Văn là đại sư Long Thọ, Tổ thứ mười ba của Ấn Độ truyền thừa từ thời Đức Phật Thích Ca. Long Thọ là tổ đầu tiên của Tông Thiên Thai. Nhưng ba đời trước chưa gọi là Thiên Thai, mà đến đời thứ tư Đại sư Trí Giả dừng chân ở núi Thiên Thai mới thành lập tông phái này và phát triển rực rỡ. Long Thọ làm sơ Tổ tông Thiên Thai cũng như Bồ Đề Đạt Ma là sơ Tổ của Thiền tông Trung Hoa.
Nhân duyên bộ Chỉ Quán ra đời:
Đại sư Trí Giả có người anh là Trần Châm, làm Tham tướng trong quân, đến năm 40 tuổi, một ngày nọ đi đường gặp vị tiên là Trương Quả Lão nói rằng: “Tướng ông vận mạng đã hết, chỉ trong vòng một tháng là chết”. Trân Châm nghe nói sợ hãi, liền đến ngài Trí Giả vấn kế. Trí Giả bảo: “Anh nghe tôi tu trì theo pháp môn này thì có thể khỏi được”. Trần Châm xin thọ giáo. Đại sư bèn chỉ cho pháp tu Tiểu Chỉ Quán điều hòa thân tâm, Trần Châm tuân theo, tu tập rất tha thiết tinh tấn. Một năm sau Trần Châm gặp lại Trương Quả Lão, ông rất kinh ngạc hỏi: “Ông thoát chết có phải vì nhờ uống thuốc trường sinh ở đâu không” Trần Châm thuật lại là đã tu công phu Chỉ Quán tọa thiền nên mới được như thế. Trương Quả Lão tán thán: “Phật Pháp chẳng thể nghĩ bàn, có thể cải tử hoàn sinh, thật là hiếm có!” Sau đó vài năm Trần Châm nằm mộng thấy ngôi nhà của mình ở trên cõi trời, với câu viết: “Mười lăm năm sau sinh ở đây”. Quả nhiên mười lăm năm sau Trần Châm từ biệt thân thích, lúc lâm chung ngồi kiết già an nhiên mà đi. Vì vậy pháp tu Chỉ Quán Tọa Thiền này trước hết là được anh em đại sư Trí Giả và Trần Châm truyền đi..
Chỉ Quán Tọa Thiền cũng gọi là Tiểu Chỉ Quán, tuy gọi là tiểu để so với bộ Ma Ha Chỉ Quán là pháp môn viên đốn, nhưng chính là căn bản then chốt vào đạo, bao gồm những điều yếu lược của Ma Ha Chỉ Quán. Đây cũng là pháp tu dùng chung cho mọi pháp môn, dù tu thiền hay niệm Phật, tất cả cũng đều không ngoài Chỉ và Quán. Chỉ là ngừng lại, Quán là quán xét, nhìn lại. Ngừng lại những cái xấu gây chướng ngại, quán xét thực chất của những gì khởi lên trong tự thân và ở ngoài. Chỉ Quán là phương tiện căn bản của câu kệ chính mà đại sư Trí Khải đã dùng để thuyết minh đại cương pháp môn tu này:
Buông mọi niệm ác
Năng giữ niệm lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy
A) Quá trình tu Chỉ Quán:
Pháp môn tu Chỉ Quán không ngoài Giới Định Tuệ, vì vậy đại sư khuyến cáo phải phối hợp với những phương tiện thiện xảo khác, trước hết là giữ gìn thân ý (Giới) rồi tọa thiền (Định & Tuệ) thì mới có kết quả tốt đẹp hoàn mãn.
Quá trình tu tập được chia làm mười phần chính sau đây:
– Hợp đủ các duyên: giữ giới, sám hối, y thực đầy đủ, chỗ ở nhàn tĩnh, dừng các duyên vụ, gần thiện tri thức.
– Quở dục (tiết dục): buông mọi ham muốn theo sắc, thanh, hương, vị, xúc.
– Bỏ năm món che đậy: tham, sân, ngủ nghỉ, trạo hối (hối tiếc), nghi ngờ.
– Điều hòa: ăn uống, ngủ nghỉ, điều thân, điều hơi thở, điều tâm.
– Phương tiện: dục (ý muốn), tinh tấn, niệm, trí tuệ thiện xảo, nhất tâm phân minh.
– Chánh tu: tu chỉ quán trong khi ngồi; chỉ quán khi gặp duyên đối cảnh.
– Căn lành khai phát: tướng trạng căn lành, phân biệt chân ngụy, dùng chỉ quán nuôi lớn các căn lành.
– Biết ma sự: tinh mị, quỷ đối nghịch, ma não, hàng phục ma.
– Trị bịnh: bịnh phát.
– Chứng quả: Chứng quả của tâm đầu, chứng quả của tâm sau
Trong giới hạn của đề tài Thiền và thở đan điền, ở đây chỉ bàn về chương nói về Điều Hòa.
B) Điều Hoà:
Nói về điều hòa, đầu tiên sự tu tập phải đặt trên nền tảng tín tâm và đại nguyện rộng lớn, một ý chí dũng mãnh không thối chuyển. Nền tảng này có từ sự nhận thức rằng tất cả các pháp trên thế gian này, thiện hay bất thiện, những điều phiền não hay nghiệp chướng nhân quả là đều do tâm mà ra. Từ đó phải quán rằng nếu làm cho tâm thanh tịnh, không dính nhiễm thì những tạo tác nghiệp quả sinh tử sẽ dừng lại.
Thế nào là điều hòa?
Như người thợ làm đồ gốm phải khéo nhồi đất cho đều, không cứng không mềm quá mới có thể đưa vào khuôn được. Cũng như muốn điều chỉnh dây đàn phải không căng quá cũng không trùng quá mới có thể ra tiếng được. Hành giả tu tâm có năm việc phải điều hòa cho vừa phải, thì thiền định mới dễ sinh, còn không thì sẽ gặp nhiều khó khăn trở ngại.
1) Điều hòa ăn uống:
Tuy thân này là huyễn mộng nhưng phải mượn nó để tu lấy điều chân thật., từ hữu vi mà đến vô vi. Tục ngữ Việt Nam có câu “Có thực mới vực được Đạo”. Vì vậy vấn đề ăn uống để nuôi thân rất quan trọng, cần phải điều hòa. Ăn no quá thì khí gấp tâm đầy, thân nặng nề khiến huyết mạch khó lưu thông, tâm địa bế tắc – từ đó thân tâm không được an vui, đạo nghiệp cũng khó thành. Nhưng nếu ăn ít quá thì thân ốm tâm rỗng, ý niệm không tập trung được, sức khỏe suy nhược thì tinh thần cũng xuống dốc. Vì đó phải biết ăn cho vừa đủ, không no quá mà cũng không ít quá. Nhưng trước tiên phải biết những thức ăn nào nên ăn, thức nào không nên ăn. Có những thứ ăn vào làm thân bịnh, tâm sinh phiền não thì không nên ăn. Còn những thứ nào làm thân tươi tốt, tâm sảng khoái thì nên ăn. Chỉ nên ăn một món mỗi bữa, ăn một lúc nhiều món khác nhau cũng có hại cho hệ thống tiêu hóa.
2) Điều hòa ngủ nghỉ:
Giấc ngủ cần thiết cho con người, nhưng khi ngủ thần thức của con người bị che đậy tối tăm, không có sự sáng suốt biết rõ mọi việc, nên phải điều hòa việc ngủ nghỉ, không nhiều quá cũng không ít quá. Ngủ nhiều quá thì bỏ mất thời gian để tu tập, tâm thức lại hôn ám mê muội, tất cả căn lành chìm mất. Nên người tu hành phải giới hạn không nên nằm ngủ phóng túng, phải biết giác ngộ vô thường mà sớm cầu tự độ, điều phục sự ngủ nghỉ cho thần khí thanh bạch, tâm niệm sáng suốt.
Kinh nói: “Thường nghĩ ngày nay đã qua mạng cũng giảm dần, đừng vì nhân duyên ngủ nghỉ mà để một đời trôi qua uổng phí. Lại nên nghĩ đến ngọn lửa vô thường thiêu đốt thế gian, ba cõi bất an như nha lửa, khổ não đầy dẫy nên phải sợ hãi, gấp sớm tìm cầu sự giải thoát, chẳng nên tham đắm ngủ nghỉ. Nghĩa là “Đời này chẳng độ thân này thì đời nào mới độ thân này”. Đây là lời minh huấn thành thực, hành giả phải nên tỉnh thức ngay. ”
3) Điều thân:
Tọa thiền trước hết phải đi từ thô đến tế, khi xuất định thì đi từ tế ra thô, tất cả đều theo quá trình nhập, trụ và xuất.
Điều thân là bước đầu để nhập thiền. Trước khi vào thiền hành giả nên định tâm để điều thân, tức là chú ý đến thân, khi đi đứng nằm ngồi đều biết rõ tình trạng như thế nào để điều hòa thân thể cho thích nghi. Nếu thân làm việc gì cũng thô tháo, hơi thở nặng nề là tâm tán loạn khó chuyên nhất, ngồi thiền không thể an vui thư thái. Vì vậy trước phải dự bị điều thân cho yên tĩnh lại, tức là đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói nín động tĩnh thể đều an nhiên.
Nơi ngồi thiền phải yên tĩnh, làm cho mọi việc an ổn, không trở ngại. Ngồi thế kiết già hay bán già, quần áo nới lỏng, bàn tay trái để trên bàn tay phải chồng lên đối nhau, đặt trên hai chân. Kế đến điều chỉnh thân cho ngay ngắn, trước tiên dao động thân mình, đừng làm cho tay chân xê lệch, rồi làm cho xương sống không cong cũng không ngay cứng. Điều chỉnh đầu cổ cho ngay, mũi và rốn đối nhau không nghiêng lệch, đầu không cúi cũng không ngước, mặt ngay thẳng. Sau đó miệng thở hơi dơ bằng cách há miệng thở hơi ra nhè nhẹ. Đồng thời tưởng nơi trăm mạch không thông trong thân thể phóng ra theo hơi dơ. Lúc hít vào miệng ngậm mũi hít hơi sạch, làm như thế ba lần. Kế ngậm miệng lại, răng khít nhau, luỡi đưa lên ổ gà, rồi khép hờ mắt ngồi ngay thẳng như bàn thạch, thân đầu tứ chi đều không dao động. Đó là pháp điều thân trước tiên vào thiền định. Nói tóm lại, không khoan không gấp là tướng điều thân nhập và trụ.
4) Điều hơi thở
Hơi thở có bốn loại: phong, suyễn, khí, tức. Ba loại hơi thở đầu không điều hòa, loại sau cùng thì điều hòa.
Thế nào là Phong? Khi ngồi hơi thở ra vào nghe có tiếng là phong. Hơi thở Phong thì tán động.
Thế nào là Suyễn? Lúc ngồi hơi thở tuy không có tiếng mà bị nghẽn trệ không thông là hơi thở Suyễn.
Thế nào là Khí? Khi ngồi hơi thở không có tiếng cũng không bị nghẽn mà ra vào chẳng nhẹ nhàng là hơi thở Khí. Hơi thở Khí thì lao nhọc.
Thế nào là Tức? Không có tiếng, không bị nghẽn, không thô tháo, ra vào êm dịu như còn như mất, thần thái an ổn, vui tươi thì đó là hơi thở tức. Hơi thở Tức là định.
Nếu ngồi thiền mà có ba loại hơi thở phong, suyễn và khí thì không điều hòa, nếu dùng chúng để dụng tâm thì chẳng những vô ích mà còn làm hại, càng thêm khó định.
Để điều hòa ba loại hơi thở này, phải dùng ba cách như sau:
Một là bỏ vướng mắc làm cho tâm an: hành giả phải buông tất cả tâm nghĩ ngợi phan duyên xuống để không chạy tản mạn, bằng cách nhất tâm chuyên chú ở nơi đan điền.
Hai là phải buông thư thân thể, tất cả ra vào phải tự nhiên không câu thúc.
Ba là phải tưởng hơi thở biến khắp châu thân, theo vô số lỗ chân lông ra vào, thông suốt không chướng ngại.
Làm được ba điều đó thì đi hơi thở sẽ điều hòa, tự nhiên trở nên nhẹ nhàng. Đó là đi từ thô vào tế. Hơi thở điều hòa làm cho thân an định, ngăn chận bệnh tật không cho phát sinh. Đây là pháp điều hòa hơi thở từ thô vào tế trong bước đầu tiên của hành giả vào thiền.
5) Điều tâm
Điều tâm lúc mới vào định có ba nghĩa: một là Nhập, hai là Trụ, ba là Xuất.
a- Nhập:
Lúc mới vào thiền tâm còn chưa ổn định, cần phải điều hòa ba thứ sau đây:
– Loạn tưởng: tâm khởi động tạp niệm không dứt, lúc ấy phải chuyên chú buộc niệm vào một nơi, ví dụ như niệm Phật, hay theo dõi hơi thở ở đan điền, bụng, rốn…
– Trầm (hôn trầm: buồn ngủ): lúc ngồi trong tâm hôn ám, không ghi nhớ được gì, đầu cúi xuống là trầm. Lúc đó phải buộc niệm ngay mũi để tâm trụ trong duyên, ý không phân tán.
– Phù: khi ngồi tâm thích phiêu du, phiêu lãng theo những duyên khác ở ngoài. Lúc bấy giờ nên an tâm hướng xuống, buộc duyên nơi rốn để chế phục vọng niệm.
Tâm định cũng có hai loại: nhanh (gấp) và chậm (khoan).
Nhanh (gấp) là khi bắt đầu ngồi thiền hành giả dùng niệm để nhiếp tâm quá nhanh, dụng tâm quá độ. Niệm ấy lại không phải chánh niệm, mà là vọng niệm, vì thế ở ngực cảm thấy đau gấp, thân tâm không an ổn, sinh chứng tâm khí đau gấp. Để trị bệnh này, nên buông xả tâm, tưởng tượng hơi đều đi xuống thì bệnh sẽ tự khỏi.
Chậm (khoan) là khi ý chí trong tâm hành giả quá tản mạn đến nỗi không tập trung và xả được. Lúc ấy thân muốn xiêu vẹo, tinh thần u uất không sảng khoái, sáu tình mờ mịt. Bệnh khoan là ở chỗ phóng dật quá độ. Lúc ấy phải nhiếp tâm tĩnh niệm chuyên chú vào một cảnh, nghĩa là sáu căn đều thu nhiếp, kiểm soát tâm liên tục không để cho giải đãi lười biếng, thì mới dứt được bệnh khoan.
Nói tóm lại, pháp nhập định phải từ thô vào tế, bắt đầu từ thân, qua hơi thở rồi tới tâm, nên sự điều hòa cũng từ thô đến tế theo quá trình như vậy.
b- Trụ:
Sau khi vào định rồi, trong thời gian ngồi thiền phải luôn nhiếp niệm và dụng tâm. Nhiếp niệm là thu nhiếp tất cả loạn tưởng tạp niệm vào một niệm. Dụng tâm là khéo xử dụng tâm để dứt trừ những khởi động thầm lặng. Trong khi nhiếp niệm dụng tâm phải luôn luôn tỉnh giác để biết thân, hơi thở và tâm của mình có điều hòa hay không.
– Nếu ngồi lâu sinh mệt, thân xiêu vẹo không ngay ngắn thì phải sửa đổi lại cho ngay thẳng, không nên để nguyên như thế mà tiếp tục thiền. Đó là trụ trong tướng điều thân ở trong định.
– Nếu thân điều hòa mà hơi thở không điều hòa, hoặc phong, hoặc suyễn, hoặc gấp, trong thân chướng đầy khó thở, đó là do hơi thở chẳng đều, nên dùng ba cách như nói ở trên: một là buông những vướng mắc làm cho tâm an, hai là buông lỏng thân thể, ba là tưởng tượng hơi thở ra vào khắp các lỗ chân lông thông suốt. Điều hòa như thế hơi thở sẽ nhẹ nhàng, tâm thân sảng khoái. Đó là trụ trong tướng điều hòa hơi thở.
– Nếu thân và hơi thở điều hòa mà tâm hoặc phù động hoặc hôn trầm, lúc nhanh lúc chậm chẳng định, thì nên dùng cách ở trên để đối trị: an tâm hướng xuống mũi, hoặc buộc tâm nơi rún để chế phục vọng niệm không cho lan tràn.
c- Xuất:
Hành giả lúc nhập định nhiếp niệm về một, nay lúc xuất định thì thả tâm ra cho duyên vào nơi khác, như là duyên ở danh tự pháp tướng, hoặc duyên ở sáu căn hay sáu trần. Sau đó mở miệng phóng hơi dơ ra, hít thở khí trong sạch. Tưởng tượng trăm mạch tùy ý lưu thông, rồi lay động thân nhè nhẹ, cử động từ hai vai, hai tay và đầu cổ. sau đó cử động hai chân làm cho mềm mại, lấy tay chà xát toàn thân khắp các lỗ chân lông. Bởi vì trong lúc tĩnh tọa lỗ chân lông toàn thân đều mở, nếu chẳng ma xát, một khi dao động khí vào thân thì mang bệnh. Sau đó dùng hai tay chà xát cho nóng để áp vào hai mắt một lúc rồi mới mở mắt ra. Lúc xuất định phải từ từ, đừng gấp quá để cho thân và tâm chuyển dần từ tế sang thô, nếu không sẽ bị phản ứng nơi thân mà bị những chứng bệnh như đau đầu, phong thấp, sau này ngồi thiền sẽ có chướng ngại.
Khi nhập định thì từ thô vào tế, lúc xuất định thì từ tế ra thô, có thứ tự trước sau không rối loạn nhau, như thế gọi là khéo nhập-trụ-xuất.
Kinh Pháp Hoa nói: “Đại chúng chư Bồ Tát… này đã từ vô lượng ngàn vạn ức kiếp vì đạo Phật mà cần hành tinh tấn, khéo nhập trụ xuất vô lượng trăm ngàn vạn ức tam muội, được đại thần thông, tu phạm hạnh lâu, khéo léo thứ lớp tu tập các pháp lành”. Như vậy để thấy chư Bồ Tát từ trước tới nay cũng đều theo công phu tu Chỉ Quán, khéo nhập trụ xuất mà được đại thần thông, tự tại vô ngại. Chúng ta tuy bị vô minh che lấp, ngụp lặn trong biển phiền não, nhưng nếu phát nguyện đi theo con đường Phật đạo, tinh tấn tu trì Chỉ Quán thì dần dần sẽ sáng tỏ được công đức diệu dụng của tự tâm.
Diệu Huyền