NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN THIỀN

NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN THIỀN

NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN THIỀN

1- XUẤT SỨ THIỀN

Thiền có nguồn gốc từ Ấn Độ. Thiền là một phần trong Yoga đã có lịch sử lâu đời hơn 5.000 năm là một trong 6 trường phái triết lý nổi tiếng của Ấn độ, và hiện nay đã phổ biến khắp nơi trên thế giới.

Để tìm hiểu vấn đề Thiền, ta quay ngược thời gian trở về thời Ấn độ cổ.

Ấn độ là một cổ quốc của nền văn hoá thế giới, dân tộc này mang rất nhiều tư tưởng thần bí, đặc biệt là ý nghĩa tôn giáo trong tư tưởng thần bí này.

Nếu mở trang sử tôn giáo Ấn độ ra xem, chúng ta sẽ thấy hệ thống tôn giáo của nhân loại hầu như là ở trong đó. Hoặc thành kính sùng bái thiên nhiên, hoặc mang tư tưởng sâu sắc, hoặc khổ hạnh nghiêm khắc để tìm cầu giải thoát, hoặc ham thích khoái lạc ở cõi trời v.v… tất cả đều thuộc tư tưởng mang tính tôn giáo.

Ấn độ là một đất nước không có THIỀN TÔNG, vì Ấn độ không có một tông phái Thiền mang tính độc lập, nên không thể thiết lập được một danh từ nào trong lịch sử Thiền tông, mà chỉ có thể nói về nguồn gốc của THIỀN [tức DHYANA] một cách chung chung trong lịch sử Phật giáo Ấn độ. Ấn độ đã lấy từ DHYANA [tức thiền na] làm căn nguyên tư tưởng này để phát triển.

Trong tư tưởng triết học của người Ấn độ cổ đại, nhiều học phái ra đời và phát huy mạnh mẽ. Khảo cứu về niên đại ra đời của 6 phái đại triết học này thì mỗi phái đều có mỗi thuyết khác nhau, nhưng tư tưởng của chúng đều bắt nguồn từ triết học ưu ba ni sao thổ [UPANISHAD]. Vì thời đại triết học UPANISHAD rất xem trọng phép THIỀN QUÁN, nhưng thời đại tư tưởng trung kỳ của triết học UPANISHAD thì Thiền na lại bao quát cả phái DU GIÀ [YOGA].

Trong 6 phái đại triết học này, phái DU GIÀ tức Yoga được Đức Phật kế thừa và phát triển theo cách riêng của ngài. Thiền của Đức Phật thông qua sự an toạ, tư duy mà ngài hoát nhiên đại ngộ. Nói về căn nguyên của Phật giáo thì Đức Phật chứng được tam muội [SAMADHI] cũng nhờ vào Thiền na [tức DHYANA].

Emile Senart viết: ” CHÍNH TRÊN MẢNH ĐẤT YOGA MÀ ĐỨC PHẬT ĐÃ ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG; DÙ CHO NGÀI CÓ THÊM VÀO ĐÔI ĐIỀU MỚI MẺ ĐI CHĂNG NỮA, THÔNG QUA THIỀN ĐỊNH CỦA YOGA MÀ TƯ TƯỞNG CỦA NGÀI MỚI ĐƯỢC HÌNH THÀNH”.

2- THIỀN TRONG PHẬT GIÁO

Thiền của đạo Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ. Người sáng lập ra hệ thống Thiền này là Tất Đạt Đa (Siddhatha), họ Gautama, sinh khỏang năm 563 trước Công Nguyên, là Thái tử con của vua Tịnh Phạn, thuở nhỏ Ngài đã từng theo học các tu sĩ Bà La Môn. Ông mất năm 483 trước công nguyên, thọ 80 tuổi. Về sau này người đời tôn xưng ông là Thích Ca Mâu Ni [SAKYMUNI]

3- SỰ TRUYỀN BÁ THIỀN VÀO VIỆT NAM.

Thiền du nhập vào Việt Nam qua 2 con đường :

1/ Đường biển: Do các vị thiền sư Trung Quốc đi đường biển vào miền Bắc và Miền Trung Việt Nam. Ở Miền Bắc, có Thiền Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ, sang Trung Quốc học tiếng Trung Quốc rồi vào miền Bắc Việt Nam truyền bá thiền Vô Ngôn Thông cho đệ tử người Việt Nam là Thiền Sư Cảm Thành. Tỳ Ni Đa Lưu Chi là Tổ Sư Thiền Tông của Việt Nam.

Ở miền Trung, đầu tiên có ngài Nguyên Thiều Siêu Bạch, người Trung Quốc, đi thuyền tới Bình Định lập chùa Thập Tháp Di Đà. Sau đó được Chúa Nguyễn mời ra Huế và yêu cầu Ngài trở về Trung Quốc thỉnh Sư qua Việt Nam truyền giới.

2/ Được truyền trực tiếp từ Ấn Độ sang Miền Nam Việt Nam. Công Chúa Vua A Dục ở Ấn Độ và một đoàn truyền giáo do Vua A Dục cử đi qua Tích Lan truyền đạo, từ Tích Lan truyền qua Thái Lan, qua Cam Pu Chia , Lào và vào miền Nam Việt Nam. Nhánh này là phái Nam Truyền, Tiểu Thừa. Đại diện phái này là chùa Kỳ Viên ở Thành Phố Hồ Chí Minh .

– Vậy là có 2 đường truyền bá Thiền vào Việt nam: Con đường thứ nhất từ các Thiền Sư Trung Quốc đi bằng đường biển vào Miền Bắc và Miền Trung Việt Nam truyền bá Thiền Phật Giáo Bắc Tông.

– Con đường thứ hai từ Ấn Độ sang Tích Lan, qua Thái Lan, Cam pu chia, Lào và vào miền Nam Việt Nam, đường này truyền bá Thiền Phật Giáo Nam Truyền, Tiểu Thừa.

THIỀN DƯỚI ÁNH SÁNG KHOA HỌC

Thiền là một nét văn hoá đặc sắc của phương Đông. Từ đầu thế kỷ 20, sau khi được du nhập vào phương Tây, Thiền đã thoát ra khỏi ranh giới của tôn giáo và nhanh chóng được tiếp nhận như một phương pháp để chữa lành những căn bệnh của xã hội hiện đại do căng thẳng tâm lý gây ra. Ngày nay, với tinh thần khoa học và tính thực tiển của người Âu Mỹ và dưới sự giúp sức của các thiết bị hiện đại, nhiều hiệu quả thực tế của Thiền đã dần dần được sáng tỏ. Cũng ở thời gian này, Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá lại ý nghĩa của từ sức khỏe “Sức khoẻ là sự thoải mái hoàn toàn về các mặt thể chất, tâm thần và xã hội chứ không phải chỉ là tình trạng không bệnh tật”. Có lẽ vì những lý do này, khi chuyển ngữ sang phương Tây, người ta đã dùng từ “Meditation” để dịch từ Zen. “Meditation” có cùng ngữ căn “Mederi” với từ “Medicine” với hàm ý là một phương pháp chữa bệnh.

THIỀN LÀ GÌ?

Thiền được hiểu một cách đơn giản, đó là một phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn làm và đang làm.

Có rất nhiều phương pháp Thiền khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là giúp cho người tập luyện có thể tập trung chú ý vào một điểm nào đó ở trong hoặc ở ngoài cơ thể. Ta có thể tập trung vào một đề tài, một hình ảnh, một câu chú, theo dõi hơi thở, đếm nhẩm số. Hoặc là cảm nhận, biết rõ, quan sát đối tượng, lần chuỗi, niệm kinh v.v…  nhằm đưa con người tiến dần vào trạng thái yên lặng cho đến khi tâm không còn bất cứ một ý niệm nào.

CÁC TƯ THẾ NGỒI THIỀN CỦA YOGA

Từ xa xưa, các đạo sư yoga đã hướng dẫn 5 cách ngồi thiền khác nhau để thích hợp vào từng thể trạng của mỗi người.

1-Thế Padmasana

2- Thế Siddhasana

3- Thế Svastikasana

4- Thế Sukhasana

5- Thế Vajrasana

TÁC DỤNG CỦA TƯ THẾ NGỒI KIẾT GIÀ

– Các đạo sư Yoga cho rằng vị thế khóa nhau của hai chân trong tư thế kiết già sẽ tạo sức ép lên hai luân xa ở dưới cùng của cơ thể, khiến dòng năng lượng có khuynh hướng đi lên để nuôi dưỡng các trung tâm lực dọc theo cột sống và kiểm soát toàn bộ hệ thần kinh. Những thí nghiệm khoa học về Yoga cho thấy chỉ cần ngồi tư thế hoa sen, dù ta không cố gắng tập trung tư tưởng, vẫn có một sự thay đổi ở sóng não từ nhịp Beta khoảng 20 chu kỳ mỗi giây xuống nhịp Alpha khoảng 8 chu kỳ mỗi giây. Nhịp Alpha là tình trạng sóng não của một người đang trầm tĩnh và minh mẫn. Điều nầy có nghĩa là tự thân tư thế kiết già đã có công năng làm êm dịu thần kinh chưa kể đến những cố gắng khác của việc ngồi thiền.

– Kết quả trên cũng phù hợp với những lý luận của y học cổ truyền khi biết rằng ở thế kiết già, xương mác ở cẳng chân trái đã tạo một sức ép khá mạnh lên đúng vị trí huyệt Tam âm giao ở chân phải (huyệt Tam âm giao ở chỗ lõm bờ sau xương chày, trên mắt cá chân trong khoảng 6cm). Như vậy, trong suốt thời gian ngồi kiết già, huyệt Tam âm giao sẽ được kích thích liên tục.

– Tam âm giao là huyệt giao hội của 3 đường kinh âm: Tỳ, Can và Thận nên tác động kích thích này sẽ có tác dụng “thông khí trệ”, “sơ tiết vùng hạ tiêu” và điều chỉnh những rối loạn nếu có ở những kinh và tạng có liên quan, đặc biệt là tác dụng “Dưỡng âm kiện Tỳ” và “Sơ Can ích Thận” mà các thầy thuốc châm cứu đều biết khi tác động vào huyệt này. Những người có dấu hiệu căng thẳng thần kinh, những bệnh nhân “Âm hư hỏa vượng” hay gặp các cơn bốc hỏa về chiều và những phụ nữ đang ở tuổi mãn kinh sẽ dễ dàng cảm nhận được hiệu quả khi ngồi vào thế kiết già.

– Việc kích họat vào huyệt “Tam âm giao” của tư thế ngồi kiết già còn làm sáng tỏ thêm một nghi vấn khác. Đó là ở tư thế này, chân phải chồng lên chân trái hay ngược lại chân trái chồng lên chân phải? Trong Tu thiền yếu quyết, ngài Phật Đà Ba Lợi (Buddha Pali) giải thích về kiết già. ”Ở Bắc Ấn Độ, kiết già phu tọa là cách ngồi chân trái chồng lên chân phải và chân phải chéo lên chân trái”. Tuy nhiên ở một số kinh tạng khác, chẳng hạn trong Thiên Thai chỉ quán của ngài Trí Khải Đại Sư thì “Kiết già phu tọa là cách ngồi chồng chân phải lên chân trái và chéo chân trái lên chân phải”.

– Trên thực tế, hệ thống kinh lạc ở hai bên thân thể, bên phải và bên trái có tính tương đồng và đối xứng với nhau. Do đó dù ngồi cách nào thì một trong hai huyệt, hoặc “Tam âm giao” phải hoặc “Tam âm giao” trái sẽ được tác động. Hơn nữa. “Tam âm giao” là một trong số rất ít các huyệt vị có tính tự điều chỉnh rất cao. Dù kích thích vào huyệt theo cách nào, lâu hay mau, bên phải hay bên trái thì hiệu ứng mang lại vẫn là cải thiện, là điều chỉnh để tiến đến hòa hợp và cân bằng. Do đó tùy theo sở thích hoặc thói quen của mỗi người, cả hai cách ngồi trên đều mang lại kết quả tốt đẹp cho việc hành thiền.

– Tam âm giao là một trong số rất ít huyệt vị châm cứu có đặc tính tự điều chỉnh rất cao giữa âm và dương, giữa bất cập và thái quá, giữa hưng phấn và ức chế đối với các lĩnh vực bệnh lý có liên quan với cùng một cách tác động huyệt có thể điều chỉnh những rối loạn có vẻ như hoàn toàn đối nghịch nhau như bế kinh, rong kinh, đau bụng kinh, băng huyết. Chính vì hiệu quả và phạm vi tác dụng rộng của huyệt nên người xưa đã chọn Tam âm giao là một trong 6 Tổng huyệt được sử dụng rộng rãi nhất trong châm cứu bấm huyệt.

NHỮNG SAI SÓT NHỎ… MÀ HẬU QUẢ LỚN TRONG LÚC NGỒI THIỀN.

– Khi các bạn ngồi Thiền… có bao giờ các bạn chú ý vào sự xúc chạm của hai ngón tay cái với nhau [thiền của đạo Phật] hoặc ngón cái và ngón trỏ chạm nhau [thiền của Yoga]?

– Theo nguyên tắc của Thiền thì… não rỗng, cơ sẽ mềm. Mà cơ có mềm thì não sẽ rỗng. Vì vậy hai ngón cái của hai bàn tay hoặc ngón cái và ngón trỏ của các bạn phải chạm thật nhẹ vào nhau.  Chạm nhẹ… đầu sẽ yên. Đây là một yếu tố rất quan trọng mà ít người biết đến khi hướng dẫn Thiền. Quả là một thiếu sót…                                                

                                                                                          

NGÓN CÁI VÀ NGÓN TRỎ CHẠM NHẸ…         NGÓN CÁI VÀ NGÓN TRỎ CHẠM NẶNG…

 

                                                     

HAI NGÓN CÁI CHẠM NHẸ…                                       HAI NGÓN CÁI CHẠM NẶNG…

– Ngày nay, khoa học đã biết rất rõ tác động qua lại giữa 2 yếu tố thần kinh và cơ. Khi thần kinh căng thẳng, trương lực cơ bắp cũng gia tăng. Ngược lại, nếu điều hòa trương lực cơ bắp ở mức thư giãn thì thần kinh cũng sẽ được ổn định. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này khi quan sát một người đang giận dữ. Khi tức giận, gân cổ nổi lên, cơ bắp căng cứng, bàn tay nắm chặt…; đó là lúc thần kinh quá căng thẳng. Một minh chứng rất rõ ràng… phải không quý vị?

– Trên thực tế, chỉ cần quan tâm làm giãn mềm cơ mặt và cơ bàn tay là đủ. Điều này căn cứ vào hai quy luật: Thứ nhất, mặt và hai bàn tay là những vùng phản chiếu có các điểm tương ứng với toàn bộ cơ thể, do đó nếu thư giãn được vùng mặt hay hai bàn tay sẽ thư giãn được toàn thân. Thứ hai, theo học thuyết Paplop, khi tập trung gây ức chế thần kinh một vùng hoặc một điểm ở vỏ não (qua hiệu ứng thư giãn) thì sự ức chế này sẽ lan tỏa gây ức chế toàn bộ vỏ não.

NGỒI THIỀN BAO LÂU LÀ TỐT NHẤT?

Đây là câu hỏi mà các bạn trẻ thường hỏi tôi trên Facebook.

– Ngồi được bao lâu không quan trọng, quan trọng là bạn có ngồi đúng tư thế hay không… đó mới là quan trọng.

+ Vậy! như thế nào mới gọi là đúng tư thế của thiền.

– Tư thế kiết già [padamasana] là tư thế đúng của Thiền.

+ Nhưng! Những người không ngồi được kiết già thì sao?

– Phải tập cho các cơ, các khớp, các dây chằng mềm ra… cho đến khi nào ngồi được tư thế kiết già mới thôi.

+ Tư thế kiết già có ích lợi gì mà phải cố công quá vậy.

– Tư thế kiết già sẽ tạo ra một một tam giác rất vững, ngoài ra khi ta xếp chân chéo lên nhau sẽ tạo điều kiện cho lưng được thẳng trong trạng thái tự nhiên, giúp cho xương sống không bị cứng trong lúc ngồi Thiền.

+ Tại sao ta phải niệm trong lúc ngồi Thiền?

– Bởi vì trong đầu chúng ta là một thứ hổn tạp, xuất hiện đủ mọi thứ trên đời. Vì vậy ta phải dùng một niệm để dừng lại những cái thứ lăn tăn này.

+ Ta phải niệm gì trong lúc ngồi Thiền.

– Niệm gì cũng được, ta có thể niệm Nam mô A Di Đà Phật, Um Ma Ni Pad Me Hum, đếm số, nhớ về hơi thở, đọc câu thần chú, lần hạt trai v.v… tất cả đều được cả. Quan trọng là có bị vọng tưởng chen vào làm cho ta thất niệm mà thôi.

THỞ THIỀN LÀ THỞ NHƯ THẾ NÀO?

– Thở thiền không phải là tập luyện hơi thở. Mà phải là quan sát, là cảm nhận, là biết rõ sự chuyển động phồng lên, xẹp xuống của bụng thông qua hơi thở.

– Thở thiền là thở tự nhiên, tức là không quá cố gắng thở mạnh, thở sâu, không cố gắng phình bụng ra thóp bụng lại. Tất cả động tác thở đều diễn ra bình thường theo nhịp điệu tự nhiên của cơ thể.

– Quan trọng nhất là phải “QUAN SÁT THEO DÕI SỰ PHỒNG XẸP CỦA BỤNG.” Trong lúc quan sát hơi thở, sẽ có lúc TÂM BỊ PHÂN TÁN, CÁC TẠP NIỆM XEN VÀO. Điều này rất thường xảy ra trong lúc thiền. Đừng theo đuổi bất cứ điều gì xảy ra trong tâm, mà hãy tiếp tục quan sát, cảm nhận, chú ý vào vùng bụng dưới.

QUY TẮC THIỀN

1/ CHÚ TÂM VÀO ĐỀ MỤC
2/ PHÁT HIỆN VỌNG TƯỞNG
3/ DỪNG VỌNG TƯỞNG
4/ QUAY VỀ ĐỀ MỤC

CHÚ TÂM VÀO ĐỀ MỤC

Ta có thể chú tâm bất cứ nơi nào trong cơ thể, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, chú tâm vào VÙNG BỤNG DƯỚI sẽ đem lại hiệu quả nhất. Vì sao đem lại hiệu quả? Bởi vì khi chú tâm vào vùng bụng dưới ta sẽ thu hút tòan bộ tâm trí xuống phía dưới, sẽ giúp cho trí não êm dịu hơn. Không phải vô cớ khi ta nhìn vào các bức tượng PHẬT sẽ thấy hai bàn tay của ngài đặt chồng lên nhau và để ở dưới bụng.

PHÁT HIỆN VỌNG TƯỞNG

Khi vào Thiền, trở ngại đầu tiên lớn nhất đó là VỌNG TƯỞNG. Rất nhiều sự việc, ý nghĩ, cảm giác xuất hiện trong tâm như là: chuyện quá khứ, chuyện tương lai, chuyện chưa xảy ra, chuyện mới vừa xảy ra, những hình ảnh, âm thanh v.v… Tất cả những tạp niệm này xuất hiện liên tục khiến cho ta khó ổn định trí não. Khi vọng tưởng nổi dậy, điều ta cần phải làm là PHÁT HIỆN VỌNG TƯỞNG.

DỪNG VỌNG TƯỞNG

Khi phát hiện ra vọng tưởng, ta phải DỪNG LẠI ngay. Nếu không kịp dừng lại nó sẽ dẫn dắt tâm trí ta từ chuyện này sang chuyện khác, khiến cho ta sẽ quên đi chuyện của ta đang làm.

QUAY VỀ ĐỀ MỤC

Khi phát hiện ra những vọng tưởng vừa KHỞI LÊN, ta kịp DỪNG LẠI và QUAY VỀ đề mục. Việc này thường xuyên xảy ra trong suốt quá trình hành thiền.

HIỆN TƯỢNG THƯỜNG XẢY RA TRONG LÚC HÀNH THIỀN.

HÔN TRẦM: 

Hiện tượng buồn ngủ trong lúc ngồi thiền, nó làm cho ta có những giác niệm rời rạc, yếu ớt. Và từ đó đưa đến sự ngủ gục mà ta không biết. Nếu việc này thường xảy ra trong lúc ngồi thiền, tôi chia sẻ với các bạn một phương pháp THỞ sau đây.

Trước khi vào thiền, bạn hít vào đầy bụng… ngưng thở… thở ra…[ 3 thời dương] từ 10 đến 20 hơi thở. Bài thở này sẽ tác động vào hệ GIAO CẢM, giúp cho ta hưng phấn hơn và loại trừ cảm giác trì trệ trong lúc ngồi thiền.

THẤY NHỮNG CẢNH GIỚI: 

Thấy mình gặp gỡ tiếp xúc thần, thánh, tiên, phật, bồ tát v.v… Thấy những cảnh vật lạ lùng, huyền bí, nghe giảng đạo v.v… thấy nhiều loại ánh sáng đủ màu sắc xuất hiện chung quanh thân hoặc ở giữa 2 đầu chân mày… Nghe đủ loại âm thanh như là tiếng gió, tiếng ve kêu, tiếng nước chảy, tiếng sáo, tiếng sấm rền, tiếng nhạc v.v… Người tập thiền cần phải nhận ra rằng. Mọi sự trên thế gian như thiên đường, địa ngục, thần, thánh, tiên, phật, ánh sáng, âm thanh v.v… đều “KHÔNG CÓ THẬT”, đó là những ảo tưởng do tâm tạo ra. Chúng xuất phát từ tâm và cũng tan biến vào tâm. Ngồi thiền mà cứ say mê những ảo cảnh như thế dần dần sẽ trở thành người bất thường, và tẩu hỏa, nhập ma là điều khó tránh khỏi.

MONG CẦU: 

Đừng kỳ vọng hay mơ ước điều gì. Đừng mong cầu được chứng đắc hay đạt được những gì thật kỳ diệu hoặc lạ lùng. Mong cầu là một hình thức vi tế của ham muốn và dính mắc, đó là những chướng ngại rất lớn trên đường tu tập. Điều nầy ta cần phải loại trừ ngay lúc vừa khởi phát trong tâm.

LỢI ÍCH CỦA THIỀN.

1/ TĂNG CƯỜNG SỨC KHOẺ.
2/ DỄ DÀNG TẬP TRUNG.
3/ GIẢI TỎA CĂNG THẲNG, MỆT MỎI.
4/ KIỂM SOÁT CẢM XÚC.
5/ CÓ KHẢ NĂNG TẠO RA Ý NGHĨ , Ý TƯỞNG MỚI.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC KHI TẬP THIỀN

GIỮ GIỚI 
NGỦ GIỚI CẤM [đạo đức]
Không sát sanh. Không trộm cắp. Không tà dâm, không nói dối. Không uống rượu và đánh bạc.
RÈN LUYỆN SỨC KHOẺ
Các động tác của YOGA, sẽ giúp cho cơ thể khoẻ mạnh, làm điều hoà sự hô hấp, bài tiết, làm êm dịu hệ thống thần kinh trung ương và phòng chống được những bệnh xảy ra trong tương lai. Ngoài ra nó còn làm cho giản các cơ, khớp và dây chằng xung quanh khớp háng, khớp gối và khớp cổ chân nhằm giúp cho ta dễ dàng vào tư thế kiết già khi ngồi Thiền một cách hiệu quả nhất.

Những bài tập này được thực hiện một cách nhẹ nhàng nhằm làm trơn các cơ, khớp, dây chằng, gân… và các bộ phận khác trong cơ thể, nó làm cho thân thể trở nên linh hoạt, dẻo dai nhờ loại bỏ các chất cặn bả và mở thừa.
.

GIẢI TRÍ CÓ CHỌN LỌC
 Ngoài ra ta cũng cần phải xem lại các chương trình giải trí mà mình thường xem. Theo thông thường khi ta xem một cuốn phim, nếu như ta buông thả tâm mình vào câu chuyện trong phim. Lúc đó tâm ta sẽ buồn, vui, tức, lo, sợ… theo với các nhân vật trong phim. Với những loại phim này sẽ để lại tì vết, ảnh hưởng xấu đến trí não ta, và chúng làm cho ta khó tập trung vào việc duy trì chánh niệm trong lúc ngồi Thiền.
Những loại phim ảnh, báo chí, video bạo lực bắn giết… sẽ làm cho trí óc ta căng thẳng. Những hình ảnh khêu gợi làm kích thích tính dâm dục v.v… Nếu bạn cứ xem mãi những loại phim như thế này, bạn sẽ phải trả giá đắt trong những lúc ngồi thiền.  Bạn càng thấy có nhiều tạp niệm khởi lên hơn. Khi ta buông thả suy nghĩ của mình theo những đối tượng không lành mạnh, tâm hồn ta dễ dàng bị nhiễm độc, và việc điều trị sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức.
Nói tóm lại ta không nên tự tạo ra quá nhiều sự căng thẳng cho chính mình. Đây cũng là giới luật thứ 7 trong thập giới mà đức Phật khuyên các hàng sa di nên tuân thủ một cách nghiêm cẩn.

PHƯƠNG PHÁP TẬP THIỀN

Tư thế chuẩn bị:

Ngồi vào tư thế kiết già. Đầu cổ và lưng thẳng. Mắt khép nhẹ. Miệng khép, lưỡi để tự nhiên. Hai bàn tay mở ngửa để trên đầu gối. Ngón cái và ngón trỏ chạm nhẹ vào nhau.

CHÚ Ý: Khi tập thở, phải hướng sự chú ý vào vùng bụng dưới. Đây là phần rất quan trọng ta không thể bỏ qua được. Vì đây là bài tập kết hợp giữa sổ tức và tuỳ tức.
– Khi các bạn tập nhuần nhuyển trong một tuần lễ mà không quên, không lộn số, bạn hãy tập qua bài kế tiếp.
Bài số 1
– Bắt đầu là một hơi thở ra dài và cố gắng thóp bụng vào.
Hít vào: Đếm thầm 1… 2… 3… 4… 1.
Thở ra: Đếm thầm 1… 2… 3… 4…[2].
Hít vào: Đếm thầm 1… 2… 3… 4… 3.
Thở ra: Đếm thầm 1… 2… 3… 4…[4].
Hít vào: Đếm thầm 1… 2… 3… 4… 5.
Thở ra: Đếm thầm 1… 2… 3… 4…[6].
Đếm từ 1 đến 100, nếu quên bắt đầu đếm lại từ 1.
Ở bài số 1 bạn có thể ứng dụng các câu niệm mà bạn thích. Ví dụ như khi hít  vào, bạn niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT [đếm1]. Thở ra bạn niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT [đếm 2]. Bạn có thể niệm những câu sau:
– OM MANI PADME HUM
– BA BA NAM KE VA LAM
– HÍT VÀO TÂM TĨNH LẶNG, THỞ RA MIỆNG MĨM CƯỜI
– TÔI BIẾT TÔI ĐANG THỞ VÀO, TÔI BIẾT TÔI ĐANG THỞ RA.
Bài số 2
Hít vào: Đếm 1
Thở ra: Đếm 2
Đếm từ 1 đến 100. Nếu quên hãy đếm lại từ đầu.
Bài số 3
Hít vào, thở ra đếm 1. Đếm từ 1 đến 100. Nếu quên hãy đếm lại từ đầu.
Bài số 4
Tập đến đây là các bạn đã khá lắm rồi đấy. Bây giờ bạn không còn đếm số nữa, mà bạn chỉ chú ý vào vùng bụng dưới theo dõi và biết rõ sự phồng lên xẹp xuống của bụng thông qua hơi thở. Không tạo áp lực vào hơi thở. Không cố gắng hít vào phình bụng ra, không cố gắng thở ra thóp bụng lại, mà bạn chỉ là người chứng kiến, là người quan sát, là người biết rõ sự chuyển động của bụng thông qua hơi thở mà thôi. Thời gian ngồi bao lâu, tuỳ bạn quyết định.
Bài viết của Mai Văn Như Yoga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*